1312, Tháp B, Tòa nhà The Light, Tố Hữu, Hà Nội

T2 - T7: 8:00 - 17:30

024 66 66 33 69

[email protected]

  • Ngôn ngữ tiếng anh

Phụ cấp là gì? Cẩm nang toàn tập quy định mới nhất hiện nay

09:03 08/01/2021 Tin Tức Nguyễn Văn Tuân 0 bình luận

Phụ cấp là gì? Hiện nay, ngoài mức lương theo công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng thì người lao động còn được hưởng những phụ cấp nào? Hãng Kiểm toán ES-GLOCAL xin gửi đến các bạn bài viết: Cẩm nang toàn tập về phụ cấp, mời các bạn cùng theo dõi nhé!

    Các loại phụ cấp lương
    Các loại phụ cấp lương gồm những gì?

    Trước tiên, các bạn lướt qua bảng tóm tắt các nội dung chính của bài viết nhé:

    #1. Tổng quan về tiền lương và phụ cấp

    #1.1. Mức lương là gì?

    Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động và Điều 7, Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.

    #1.2. Phụ cấp là gì?

    Phụ cấp (trong bài viết này viết tắt là "PC") có thể hiểu là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh của thang lương, bảng lương. Ngoài ra, phụ cấp còn có thể là các khoản bổ sung khác như tiền ăn ca, tiền xăng xe, tiền điện thoại,...

    #1.2. Phụ cấp trong tiếng anh là gì?

    Phụ cấp trong tiếng anh là "allowance". Kết hợp với các tiền tố khác chúng ta sẽ có tên của loại phụ cấp đó. Ví dụ:

    - Petrol allowance: có nghĩa là PC xăng xe;

    - Rental allowance: có nghĩa là PC tiền thuê nhà,...

    #2. Các loại phụ cấp hiện nay bao gồm những loại nào?

    Theo quy định hiện nay, có những loại phụ cấp cơ bản như sau:

    - Độc hại - Kiêm nhiệm
    - Trách nhiệm - Khu vực
    - Công vụ - Nhà ở
    - Thu hút - Xăng xe
    - Kế toán trưởng - Điện thoại
    - Thâm niên - Ăn trưa

    Sau đây, Hãng Kiểm toán ES-GLOCAL sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết của từng loại nhé!

    #2.1. Phụ cấp độc hại

    phụ cấp độc hại
    Các quy định hiện nay về PC độc hại

    PC độc hại có thể hiểu là khoản tiền dành cho người lao động (cán bộ, công chức, viên chức) làm việc trực tiếp ở nơi độc hại nguy hiểm mà yếu tố độc hại nguy hiểm cao hơn bình thường chưa được tính vào hệ số lương. Trợ cấp độc hại, nguy hiểm gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương tối thiểu chung.

    Theo quy định tại khoản 2, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC thì khoản tiền trợ cấp độc hại được miễn thuế TNCN.

    Theo quy định tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, tiền phụ cấp độc hại phải tính vào tiền lương đóng BHXH.

    >>>Xem thêm phụ cấp độc hại tại đây nhé!

    #2.2. Trách nhiệm

    PC trách nhiệm được hiểu là khoản tiền trợ cấp dành cho người lao động (bao gồm cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) vừa trực tiếp sản xuất hoặc làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ thuật vừa kiêm nhiệm công tác quản lí không thuộc chức vụ lãnh đạo hoặc làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao chưa được xác định trong mức lương. PC trách nhiệm công việc gồm 4 mức: 0,5; 0,3; 0,2 và 0,1 so với mức lương tối thiểu chung.

    Khoản PC trách nhiệm cho người lao động là một khoản có tính chất tiền lương, tiền công và không nằm trong các khoản trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế nên người nhận khoản trợ cấp này sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân.

    Căn cứ theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, khoản tiền phụ cấp trách nhiệm phải tính đóng bảo hiểm xã hội.

    >>>Xem thêm phụ cấp trách nhiệm tại đây nhé!

    #2.3. Công vụ

    PC công vụ được hiểu là một khoản tiền trợ cấp ngoài mức lương đang hưởng đối với cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ở xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang. Mức tiền trợ cấp bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng PC chức vụ lãnh đạo và PC thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc PC quân hàm.

    Theo quy định hiện nay, PC công vụ là khoản thu nhập phải tính thuế TNCN và đóng BHXH.

    >>>Xem thêm phụ cấp công vụ tại đây nhé!

    #2.4. Thu hút

    PC thu hút có thể hiểu là khoản trợ cấp áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cơ yếu) công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mà thời gian đầu chưa có cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động.

    Mức PC thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng (theo bảng lương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước quy định) cộng với PC chức vụ lãnh đạo, PC thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 05 năm (60 tháng).

    Theo quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC thì PC thu hút được miễn thuế TNCN. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì khoản PC này phải đóng BHXH.

    >>>Xem thêm phụ cấp thu hút tại đây nhé!

    #2.5. Kế toán trưởng

    Kế toán trưởng là người được bổ nhiệm đứng đầu bộ phận kế toán nói chung của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, xí nghiệp, cơ sở... và là người phụ trách, chỉ đạo chung và tham mưu chính cho lãnh đạo về tài chính và các chiến lược tài chính, kế toán cho doanh nghiệp.

    Theo quy định hiện nay, người được bổ nhiệm kế toán trưởng ở các đơn vị sau đây được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm hằng tháng 0,2 so với mức lương cơ sở:

    - Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp (Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan hải quan);

    - Cơ quan nhà nước (CQNN);

    - Đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL);

    - Tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;

    - Các tổ chức được Nhà nước cấp vốn để tổ chức hoạt động theo Mục tiêu chính trị xã hội.

    Đối với các đơn vị sau, người được bổ nhiệm kế toán trưởng được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm theo quyết định của cấp có thẩm quyền:

    - Ban quản lý dự án có tư cách pháp nhân do CQNN, ĐVSNCL thành lập;

    - Cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước.

    Kế toán trưởng nhận được phụ cấp trách nhiệm công việc. Khoản phụ cấp này là thu nhập phải tính thuế TNCN và phải đóng BHXH theo quy định hiện hành.

    >>>Xem thêm phụ cấp kế toán trưởng tại đây nhé!

    #2.6. Thâm niên

    PC thâm niên có thể hiểu là một trong những chế độ trợ cấp dành cho người lao động nhằm khuyến khích họ có thể gắn bó và làm nghề lâu dài, đồng thời cũng là để tạo động lực cho người lao động làm việc hiệu quả hơn.

    Theo quy định hiện này, cứ sau 5 năm (đủ 60 tháng) tại ngũ hoặc làm việc liên tục trong ngành thì được hưởng PC thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng PC chức vụ lãnh đạo và PC thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm được tính thêm 1%.

    Theo quy định hiện nay, PC thâm niên là khoản thu nhập được miễn thuế TNCN nhưng phải tính vào tiền lương đóng BHXH.

    >>>Xem thêm phụ cấp thâm niên tại đây nhé!

    #2.7. Kiêm nhiệm

    PC kiêm nhiệm được hiểu là một khoản trợ cấp dành cho công chức lãnh đạo kiêm nhiệm thêm một hoặc nhiều chức danh lãnh đạo ở cơ quan, đơn vị khác.

    PC kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đứng đầu cơ quan, đơn vị khác được tính bằng 10% mức lương chức vụ hoặc mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng với PC chức vụ lãnh đạo và PC thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng của người giữ chức danh lãnh đạo kiêm nhiệm.

    >>>Xem thêm phụ cấp kiêm nhiệm tại đây nhé!

    #2.8. Khu vực

    PC khu vực có thể hiểu là trợ cấp nhằm bù đắp cho công nhân viên chức, công chức làm việc ở những vùng khí hậu xấu, xa xôi, hẻo lánh, đi lại, sinh hoạt khó khăn và nhằm góp phần ổn định lao động những vùng có địa lý tự nhiên không thuận lợi.

    PC khu vực được quy định gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung; mức 1,0 chỉ áp dụng đối với những hải đảo đặc biệt khó khăn, gian khổ như quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà.

    Theo quy định hiện nay, PC khu vực là khoản thu nhập được miễn thuế TNCN nhưng phải tính vào tiền lương đóng BHXH.

    >>>Xem thêm phụ cấp khu vực tại đây nhé!

    #2.9. Nhà ở

    PC nhà ở được hiểu là khoản tiền mà doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động ngoài tiền lương để thuê nhà ở nhằm khuyến khích và giữ chân người lao động làm việc tại doanh nghiệp.

    phụ cấp nhà ở
    Các quy định về phụ cấp nhà ở hiện nay

    Theo quy định hiện nay, khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị.

    Ví dụ: Ông A là nhân viên của Công ty TNHH Es-Glocal. Tháng 12/2020, ông A có thu nhập chịu thuế là 30 triệu đồng (chưa bao gồm tiền thuê nhà được trả thay là 7 triệu đồng).

    Vậy ta có:

    - Số tiền tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của ông A là:

    30 x 15% = 4,5 triệu đồng

    - Số tiền được miễn thuế TNCN là:

    7 - 4,5 = 2,5 triệu đồng.

    >>>Xem thêm phụ cấp nhà ở tại đây nhé!

    #2.10. Xăng xe

    PC xăng xe được hiểu là một khoản hỗ trợ đi lại cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp và tùy vào chế độ của từng doanh nghiệp mà có quy định về khoản phụ cấp này hay không.

    Trong trường hợp công ty trả PC xăng xe theo mức cố định hàng tháng, ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ của doanh nghiệp (Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn;…) thì thu nhập này được tính là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

    Theo quy định hiện hành, tiền PC xăng xe mà người lao động được hưởng sẽ tính thuế TNCN nhưng không phải tính đóng BHXH.

    >>>Xem thêm phụ cấp xăng xe tại đây nhé!

    #2.11. Điện thoại

    PC điện thoại có thể hiểu là khoản tiền mà doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động có giao dịch với khách hàng bằng điện thoại.

    Hiện nay chưa có quy định về mức trợ cấp tối đa về tiên điện thoại. Tuy nhiên, trường hợp khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân nếu được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Đồng thời, khoản chi tiền điện thoại cho cá nhân là thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN.

    >>>Xem thêm phụ cấp điện thoại tại đây nhé!

    #2.12. Ăn trưa

    PC ăn trưa là khoản tiền mà doanh nghiệp hỗ trợ cho người lao động ăn giữa ca, có thể hỗ trợ bằng tiền hoặc bằng phiếu ăn, suất ăn hoặc tổ chức nấu ăn.

    Theo quy định tại Điều 22, Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH:

    "4. Công ty thực hiện mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho người lao động tối đa không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng. Việc thực hiện chế độ ăn giữa ca theo hướng dẫn tại Thông tư số 22/2008/TT-BLĐTBXH ngày 15 tháng 10 năm 2008 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca trong công ty nhà nước".

    Theo khoản 2, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC và quy định nêu trên:

    - Nếu doanh nghiệp tổ chức nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn thì khoản chi này sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế khi tính thuế TNCN.

    - Nếu doanh nghiệp không tổ chức bữa ăn mà chi tiền cho người lao động sẽ bị giới hạn số tiền không vượt quá: 730.000 đồng/người/tháng.

    Như vậy, nếu vượt quá 730.000/người/tháng thì phần cao hơn sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của cá nhận được nhận.

    >>>Xem thêm phụ cấp ăn trưa hiện nay tại đây nhé!

    #3. Một số câu hỏi liên quan đến phụ cấp

    Câu hỏi 1: Giáo viên tập sự làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn có được hưởng phụ cấp, trợ cấp thu hút không?

    Trả lời: Căn cứ theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP quy định về đối tượng hưởng trợ cấp như sau:

    "1. Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp xã;

    ..."

    Như vậy, giáo viên tập sự làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn thì sẽ được nhận phụ cấp thu hút theo quy định.

    Câu hỏi 2: Phụ cấp nhà ở (tiền thuê nhà) có tính thuế TNCN không?

    Trả lời: Theo quy định hiện nay, khoản tiền thuê nhà do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị.

    Câu hỏi 3: PC thu hút có phải đóng BHXH không?

    Trả lời: PC thu hút là khoản tiền phải tính vào tiền lương đóng BHXH.

    Như vậy, trên đây Hãng Kiểm toán ES-GLOCAL vừa chia sẻ xong nội dung bài viết. Nếu có câu hỏi hay vướng mắc gì các bạn vui lòng đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://es-glocal.com/hoi-dap/ hoặc để lại bình luận hoặc bên dưới bài viết toàn bộ các vấn đề về phụ cấp. Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!

    logo zalo

    Hỏi đáp Phụ cấp là gì? Cẩm nang toàn tập quy định mới nhất hiện nay

    menu
    024 66 66 33 69
    Top