1312, Tháp B, Tòa nhà The Light, Tố Hữu, Hà Nội

T2 - T7: 8:00 - 17:30

024 66 66 33 69

[email protected]

  • Ngôn ngữ tiếng anh

Mức phạt chậm đóng BHXH năm 2020

16:19 25/12/2020 Tin Tức Es-glocal 0 bình luận

Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội có bị phạt không, mức phạt chậm đóng là bao nhiêu, Hãng kiểm toán ES-GLOCAL xin trân trọng chia sẻ tới bạn đọc toàn bộ quy định về các mức xử phạt khi doanh nghiệp chậm đóng BHXH, cập nhật mới nhất cho năm tài chính 2020, chi tiết theo từng trường hợp cụ thể như sau:

Chi tiết các trường hợp vi phạm và mức phạt tương ứng như thế nào, mời bạn đọc theo dõi dưới đây

Mức phạt chậm đóng BHXH
Mức phạt chậm đóng BHXH

#1. Vi phạm quy định đóng BHXH

#1.1 Mức phạt đối với người lao động

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi sau:

  • Thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN hoặc tham gia không đúng mức quy định;
  • Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

#1.2 Mức phạt đối với người sử dụng lao động

TH1: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) khi không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Biện pháp khắc phục: Buộc truy thu đối với khoản BHXH, BHTN bắt buộc phải đóng.

TH2: Phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng KPCĐ, BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi sau đây:

  • Chậm đóng kinh phí công đoàn;
  • Đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định;
  • Đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng;
  • Trường hợp người sử dụng lao động không đóng KPCĐ cho tất cả đối tượng phải đóng: mức phạt từ 18% đến 20% tổng tiền KPCĐ phải đóng tại thời điểm lập biên bản.

Biện pháp khắc phục:

1. Đối với kinh phí công đoàn: trong vòng tối đa 30 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức công đoàn số tiền kinh phí công đoàn chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng kèm số tiền lãi của số tiền kinh phí công đoàn chưa đóng, chậm đóng (số lãi được xác định căn cứ theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt).

2. Đối với BHXH bắt buộc, BHTN:

+ Buộc truy nộp số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng;

+ Buộc đóng số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.

TH3: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

TH4: Phạt tiền người sử dụng lao động khi có hành vi không trả thêm một khoản tiền tương ứng với mức đóng BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc và tiền nghỉ phép hằng năm cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:

  • Vi phạm từ 01 đến 10 lao động: phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng;
  • Vi phạm từ 11 đến 50 lao động: phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng;
  • Vi phạm từ 51 đến 100 lao động: phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng;
  • Vi phạm từ 101 đến 300 lao động: phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
  • Vi phạm từ 301 lao động trở lên: phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Thêm vào đó: Doanh nghiệp vi phạm buộc phải trả đủ khoản tiền tương ứng mức đóng bảo hiểm xã hội và tiền nghỉ phép cho người lao động.

Ngoài các biện pháp khắc phục cho doanh nghiệp khi vi phạm quy định đóng bảo hiểm như trên, người sử dụng lao động bị buộc tính nộp tính nộp lãi đối với khoản bảo hiểm trốn nộp, chậm nộp hoặc nộp thiếu, lãi suất tính nộp bằng 2 lần mức lãi đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề. Trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện: ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc kho bạc được quyền trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và tính lãi theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (áp dụng đối với các hành vi vi phạm trên 30 ngày).

#2. Vi phạm trong giải quyết các chế độ bảo hiểm

#2.1 Mức phạt đối với người lao động

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN dưới đây:

  • Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
  • Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;
  • Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi:

+ Tìm được việc làm;

+ Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

+ Hưởng lương hưu hằng tháng;

+ Ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

+ Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

+ Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Biện pháp khắc phục: Buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm trên.

>> Bạn đọc tham khảo thêm quy định về bảo hiểm thất nghiệp mới nhất tại đây nhé!

#2.2 Mức phạt đối với người sử dụng lao động

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hồ sơ giả mạo khi người sử dụng lao động giả mạo hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

#3. Các vi phạm khác

#3.1 Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động

  • Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, thông tin về BHXH bắt buộc, BHTN theo yêu cu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
  • Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng BHXH bắt buộc, BHTN của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu;
  • Không làm văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc đóng BHTN cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng BHTN theo quy định;
  • Làm mất, hư hỏng hoặc sửa chữa, tẩy xóa sổ bảo hiểm xã hội.

#3.2 Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng/người đối với người sử dụng lao động

  • Không trả chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ của người lao động;
  • Không trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được tiền của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Biện pháp khắc phục: buộc trả đủ chế độ bảo hiểm cho người lao động.

Lưu ý: mức phạt tối đa không quá 75 triệu đồng

>> Về chế độ bảo hiểm thai sản, bạn đọc tham khảo tại đây nhé!

#3.3 Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng tiền hưởng BHXH bắt buộc NSDLĐ chiếm dụng

Người lao động có hành vi chiếm dụng tiền hưởng BHXH bắt buộc của lao động bị phạt mức từ 18 đến 20% tổng số tiền chiếm dụng (tối đa không quá 75.000.000 đồng)

Biện pháp khắc phục: buộc hoàn trả cho người lao động khoản chiếm dụng kèm lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại công bố tại thời điểm xử phạt.

#3.4 Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng/người đối với người sử dụng lao động

  • Không lập hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tuyển dụng;
  • Không lập hồ sơ hoặc văn bản đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ hưu trí, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo đúng quy định;
  • Không giới thiệu người lao động đi giám định suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động;
  • Không trả sổ bảo hiểm cho người lao động khi người lao động đã chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật;
  • Không thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở khi có biến động lao động.

#3.5 Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cơ sở đào tạo nghề

  • Tổ chức dạy nghề không đủ thời gian khóa học mà người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp đăng ký, tối đa không quá 150.000 đồng/người (mức phạt tính trên mỗi người lao động vi phạm);
  • Thỏa thuận với cá nhân, tổ chức có liên quan để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề đối với mỗi trường hợp vi phạm.

Biện pháp khắc phục:

1. Buộc cơ sở dạy nghề thực hiện đào tạo theo đúng thời gian khóa học mà người lao động đã đăng ký;

2. Buộc cơ sở dạy nghề nộp lại số tiền đã trục lợi vào ngân sách nhà nước.

#3.6 Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với NSDLĐ tổ chức triển khai đào tạo nghề không theo phương án phê duyệt

Áp dụng với trường hợp người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo nhưng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động không theo đúng phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

#3.7 Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với NSDLĐ sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội sai mục đích

Biện pháp khắc phục: buộc nộp lại lợi nhuận thu được từ hành vi sử dụng sai mục đính Quỹ bảo hiểm xã hội.

#4. Cách tính tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Theo Điều 5 Thông tư 20/2016-TT/BTC sửa đổi bổ sung Quyết định 60/2015/QĐ-TTg quy định về tiền lãi chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm như sau:

Đối với số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN: lãi chậm đóng hàng tháng xác định bằng:

Lãi phải thu trong tháng n = Số lũy kế chậm đóng đến cuối tháng n-2 x Lãi suất chậm đóng

Trong đó:
n: là tháng xác định tiền lãi chậm đóng.
n-2: là tháng liền trước 02 tháng của tháng n.
Lãi suất chậm đóng (%/tháng): mức lãi suất bình quân tháng do BHXH Việt Nam thông báo đầu năm (theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg).

Đối với số tiền trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng, đóng thấp hơn mức đóng của người thuộc diện bắt buộc tham gia, chiếm dụng tiền đóng hưởng BHXH, BHYT, BHTN (gọi khác là trốn đóng): ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, doanh nghiệp còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng

  • TH được phát hiện trước ngày 01/01/2016: tính theo lãi suất chậm đóng áp dụng cho năm 2016;
  • TH được phát hiện sau ngày 01/01/2016: tính theo mức lãi suất chậm đóng (%/tháng).

Lưu ý: Số tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu trong tháng gồm số tiền lãi chậm đóng lũy kế đến cuối tháng trước liền kề chuyển sang và số tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền chậm đóng phát sinh trong tháng.

#5. Câu hỏi thường gặp

Hỏi: Trốn đóng BHXH bắt buộc có bị phạt tiền không?

Đáp: Người sử dụng lao động trốn đóng BHXH bắt buộc có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng.

Hỏi: Chậm đóng KPCĐ có bị phạt không, mức phạt bao nhiêu?

Đáp: Chậm đóng KPCĐ có bị phạt, chi tiết mức phạt bạn đọc tham khảo tại đây nhé.

Trên đây là toàn bộ quy định về Mức phạt chậm đóng BHXH cập nhật mới nhất của Hãng kiểm toán ES-GLOCAL. Nếu có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://es-glocal.com/hoi-dap/. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi!

logo zalo

Hỏi đáp Mức phạt chậm đóng BHXH năm 2020

menu
024 66 66 33 69
Top