1312, Tháp B, Tòa nhà The Light, Tố Hữu, Hà Nội

T2 - T7: 8:00 - 17:30

024 66 66 33 69

[email protected]

  • Ngôn ngữ tiếng anh

Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp - QUYỀN LỢI người lao động

16:57 21/12/2020 Tin Tức Thanh lan 0 bình luận

Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là chế độ bảo hiểm đem lại lợi ích rất lớn cho người lao động khi không may bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp. ES-GLOCAL xin chia sẻ đến bạn đọc toàn bộ các quy định về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp qua bài viết sau đây. Mong rằng các bạn có thể hiểu rõ hơn về chế độ này

Chi tiết các quy định về chế độ bảo hiểm này, mời bạn đọc theo dõi dưới đây.

Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp - Quy định mới nhất
Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp - Quy định mới nhất

#1. Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là gì?

Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là một trong các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc, sử dụng quỹ bảo hiểm TNLĐ&BNN để bù đắp một phần thu nhập cho các đối tượng là người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

#2. Đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ&BNN và mức đóng tương ứng

Căn cứ theo Nghị định 88/2020/NĐ-CP, đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm:

[1] Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

[2] Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

[3] Cán bộ, công chức, viên chức;

[4] Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

[5] Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

[6] Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

[7] Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Mức đóng: người sử dụng lao động đóng 0,5% trên quỹ tiền lương đóng BHXH

>> Bạn đọc tham khảo mức lương đóng BHXH bắt buộc tại đây nhé!

Lưu ý: đối với người lao động là hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí: người sử dụng lao động đóng 0,5% mức lương cơ sở.

#3. Điều kiện hưởng bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp

#3.1 Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ&BNN thuộc đối tượng được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn gây suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên:

  • Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của doanh nghiệp cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép;
  • Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền;
  • Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

#3.2 Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

Chế độ bệnh nghề nghiệp áp dụng cho người lao động tham gia bảo hiểm TNLĐ&BNN và mắc bệnh nghề nghiệp thuộc danh mục các bệnh nghề nghiệp theo quy định, ảnh hưởng gây suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

Ngoài ra: đối với người lao động làm việc trong nghề có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp, khi đã nghỉ việc phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp thì được xem xét hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp.

Lưu ý: người lao động không được hưởng trợ cấp TNLĐ&BNN nếu bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp do:

+ Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

+ Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

+ Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

#4. Các chế độ thuộc bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp

Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp được sử dụng để chi trả cho các chế độ sau:

  • Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng;
  • Chi trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ;
  • Chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình;
  • Chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe;
  • Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc;
  • Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội;
  • Chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

#5. Mức hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ&BNN

#5.1Trợ cấp một lần

Đối tượng áp dụng: người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%

Mức trợ cấp một lần:

TH1: người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp 1 lần từ lần đầu giám định mức suy giảm khả năng lao động

Mức hưởng trợ cấp 1 lần bao gồm mức trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN, trong đó:

Trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động: bằng 5 lần mức lương cơ sở cho suy giảm khả năng lao động ở mức 5%, thêm 1% tính tăng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN: bằng 0,5 lần lương tháng đóng BHXH với thời gian đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN dưới 1 năm, thêm 1 năm tính tăng thêm 0,3 lần lương tháng đóng BHXH (tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).

Mức trợ cấp 1 lần = {5 x Lcs + (m - 5) x 0,5 x Lcs} + {0,5 x Lbh + (n - 1) x 0,3 x Lbh}

Theo đó:

Lcs : mức lương cơ sở tại thời điểm NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

m : mức suy giảm khả năng lao động

Lbh : mức lương tháng đóng BHXH của tháng trước tháng NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

n: số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN

Ví dụ 1: Ông A bị tai nạn lao động tháng 8 năm 2016. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ông A được giám định có mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 20%. Ông A có 14 năm đóng bảo him xã hội (trong đó có 01 năm đóng bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ, 02 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, 01 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hai chế độ hưu trí, tử tuất và 10 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp); mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 7 năm 2016 là 4.000.000 đồng; mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.210.000 đồng/tháng.

Ông A đủ điều kiện hưởng trợ cấp một lần, mức hưởng được xác định như sau:

Trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động = 5 x 1.210.000 + (20 - 5) x 0,5 x 1.210.000 = 15.125.000 đồng

Trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN = 0,5 x 4.000.000 + (10 - 1) x 0,3 x 4.000.000 = 12.800.000 đồng

Tổng mức trợ cấp 1 lần = 15.125.000 + 12.800.000 = 27.925.000 đồng

TH2: người lao động được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đủ điều kiện hưởng trợ cấp 1 lần

Áp dụng cho người lao động bị tái phát thương tật, bệnh tật, mức suy giảm khả năng lao động khi giám định lại từ 5% đến 30%, mức hưởng trợ cấp 1 lần mới được xác định như sau:

Điều kiện Mức suy giảm khả năng lao động lần đầu Mức suy giảm khả năng lao động sau khi giám định lại Mức trợ cấp một lần
NLĐ đã hưởng trợ cấp 1 lần trước ngày 01/01/2007 Từ 5% đến 10% Từ 10% trở xuống Không hưởng trợ cấp mới
Từ 11% đến 20% 4 tháng lương cơ sở
Từ 21% đến 30% 8 tháng lương cơ sở
Từ 11% đến 20% Từ 20% trở xuống Không hưởng trợ cấp mới
Từ 21% đến 30% 4 tháng lương cơ sở
Từ 21% đến 30% Từ 30% trở xuống Không hưởng trợ cấp mới
NLĐ đã hưởng trợ cấp 1 lần từ ngày 01/01/2007 Mức trợ cấp 1 lần mới = mức trợ cấp 1 lần tính theo mức suy giảm KNLĐ mới - mức trợ cấp 1 lần tính theo mức suy giảm KNLĐ lần đầu

Ví dụ 2: tiếp tục ví dụ 1, tháng 5/2018, thương tật của ông A tái phát, giám định lại cho kết quả mức suy giảm khả năng lao động mới là 30%. Tại tháng 5/2018, mức lương cơ sở mới là 1.300.000 đồng

Ông A đủ điều kiện hưởng trợ cấp 1 lần, mức hưởng mới được tính như sau: 5 x 1.300.000 + (30 - 5) x 0,5 x 1.300.000 - 15.125.000 = 7.625.000 đồng

#5.2 Trợ cấp hàng tháng

Đối tượng áp dụng: người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên

Mức trợ cấp hàng tháng:

TH1: người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng từ lần đầu giám định mức suy giảm khả năng lao động

Mức hưởng trợ cấp hàng tháng bao gồm mức trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN, trong đó:

Trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động: bằng 30% mức lương cơ sở cho suy giảm khả năng lao động ở mức 30%, thêm 1% tính tăng thêm 2% mức lương cơ sở.

Trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN: bằng 0,5% lương tháng đóng BHXH với thời gian đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN dưới 1 năm, thêm 1 năm tính tăng thêm 0,3% lương tháng đóng BHXH (tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp).

Mức trợ cấp hàng tháng = {30% x Lcs + (m - 31) x 2% x Lcs} + {0,5% x Lbh + (n - 1) x 0,3% x Lbh}

Theo đó:

Lcs : mức lương cơ sở tại thời điểm NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

m : mức suy giảm khả năng lao động

Lbh : mức lương tháng đóng BHXH của tháng trước tháng NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

n: số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN

Ví dụ 3: Ông A bị tai nạn lao động tháng 8 năm 2016. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ông A được giám định có mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 35%. Ông A có 14 năm đóng bảo him xã hội (trong đó có 01 năm đóng bảo hiểm xã hội theo Nghị định số 09/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ, 02 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, 01 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hai chế độ hưu trí, tử tuất và 10 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp); mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 7 năm 2016 là 4.000.000 đồng; mức lương cơ sở tại tháng hưởng là 1.210.000 đồng/tháng.

Ông A đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng, mức hưởng được xác định như sau:

Trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động = 30% x 1.210.000 + (35 - 31) x 2% x 1.210.000 = 459.800 đồng

Trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN = 0,5% x 4.000.000 + (10 - 1) x 0,3% x 4.000.000 = 128.000 đồng

Tổng mức trợ cấp hàng tháng = 459.800 + 128.000 = 587.800 đồng

TH2: người lao động được giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng

Áp dụng cho người lao động bị tái phát thương tật, bệnh tật, mức suy giảm khả năng lao động khi giám định lại từ 31% trở lên, mức hưởng trợ cấp 1 lần mới được xác định như sau:

Điều kiện Mức suy giảm khả năng lao động mới Mức trợ cấp hàng tháng
NLĐ đã hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp 1 lần trước ngày 01/01/2007 Nhóm 1: Từ 31% đến 40% 0,4 tháng lương cơ sở
Nhóm 2: Từ 41% đến 50% 0,6 tháng lương cơ sở
Nhóm 3: Từ 51% đến 60% 0,8 tháng lương cơ sở
Nhóm 4: Từ 61% đến 70% 1,0 tháng lương cơ sở
Nhóm 5: Từ 71% đến 80% 1,2 tháng lương cơ sở
Nhóm 6: Từ 81% đến 90% 1,4 tháng lương cơ sở
Nhóm 7: Từ 91% đến 100% 1,6 tháng lương cơ sở
Người lao động hưởng trợ cấp 1 lần từ 01/01/2007 giám định lại được hưởng trợ cấp hàng tháng Trợ cấp hàng tháng = mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động mới + mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN cũ
Người lao động hưởng trợ cấp hàng tháng từ 01/01/2007 giám định lại được hưởng trợ cấp hàng tháng Trợ cấp hàng tháng = mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động mới + mức trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN hiện hưởng

Ví dụ 4: tiếp tục với ví dụ 1: tháng 5/2018, thương tật của ông A tái phát, giám định lại cho kết quả mức suy giảm khả năng lao động mới là 40%. Tại tháng 5/2018, mức lương cơ sở mới là 1.300.000 đồng

Ông A đủ điều kiện hưởng trợ cấp hàng tháng, mức hưởng mới được tính như sau:

Trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động = 30% x 1.300.000 + (40 - 31) x 2% x 1.300.000 = 624.000 đồng

Trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN = 0,5% x 4.000.000 + (10 - 1) x 0,3% x 4.000.000 = 128.000 đồng

Tổng mức trợ cấp hàng tháng = 624.000 + 128.000 = 752.000 đồng

Ví dụ 5: tiếp tục với ví dụ 3: tháng 5/2018, thương tật của ông A tái phát, giám định lại cho kết quả mức suy giảm khả năng lao động mới là 40%. Tại tháng 5/2018, mức lương cơ sở mới là 1.300.000 đồng

Trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động mới = 30% x 1.300.000 + (40 - 31) x 2% x 1.300.000 = 624.000 đồng

Trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN ông A đang hưởng là 128.000 đồng

Tổng mức trợ cấp hàng tháng = 624.000 + 128.000 = 752.000 đồng

Lưu ý một số trường hợp đặc biệt như sau:

1/ Người đang hưởng trợ cấp TNLĐ&BNN hàng tháng, khi ra nước ngoài để định cư mà có yêu cầu: được giải quyết hưởng trợ cấp một lần, mức trợ cấp một lần bằng 3 tháng mức trợ cấp đang hưởng.

2/ Người lao động bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thi hành nhiệm vụ được hưởng trợ cấp BNN hàng tháng bng mức hưởng của người lao động bị bệnh nghề nghiệp do suy giảm khả năng lao động thấp nhất là 61% không phải qua giám định y khoa.

Trường hợp giám định y khoa trả về tỷ lệ suy giảm khả năng lao động cao hơn thì mức hưởng được tính theo mức suy giảm khả năng lao động tại kết luận của Hội đồng Giám định y khoa, hồ sơ hưởng chế độ BNN trong trường hợp này phải có Biên bản giám định y khoa.

3/ Đối với người lao động bị TNLĐ, BNN mà mức suy giảm khả năng lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp, khi tái phát thương tật bệnh tật giám định lại mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng: mức trợ cấp được hưởng xác định tương tự trường hợp người được hưởng trợ cấp ngay từ lần giám định đầu tiên.

4/ Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động nhiều lần: mức trợ cấp 1 lần hay mức trợ cấp hàng tháng được hưởng tính cho mức suy giảm khả năng lao động theo kết quả giám định tổng hợp của các lần thương tật, đồng thời mức trợ cấp tính trên số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN tính trên tổng thời gian đóng bảo hiểm. Mức lương tính hưởng trợ cấp là mức lương đóng BHXH và mức lương cơ sở tại thời điểm tai nạn sau cùng.

Ví dụ 6: Ông A có thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp X từ ngày 01 tháng 01 năm 2013 đến tháng 10 năm 2015 với mức lương là 20.000.000 đồng/tháng. Ngày 01/3/2014 ông bị tai nạn lao động, được hội đồng giám định y khoa giám định tỷ lệ thương tật là 45%, được hưởng chế độ tai nạn lao động hàng tháng. Từ tháng 01/2016 đến tháng 12/2016 ông A có thời gian đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Doanh nghiệp Y với mức lương 24.200.000 đồng/tháng. Đồng thời, ông A có hợp đồng lao động và tham gia bảo him tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với Doanh nghiệp Z từ ngày 01 tháng 7 năm 2016 đến tháng 12 năm 2016 với mức lương là 3.000.000 đng/tháng.

Ngày 01/12/2016, ông A bị tai nạn lao động, được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ thương tật là 58%. Giả định mức lương cơ sở tại tháng có kết luận giám định lại của Hội đồng giám định y khoa là 1.210.000 đồng/tháng. Trợ cấp tai nạn lao động hàng tháng của ông A được tính như sau:

Trợ cấp tính theo mức độ suy giảm khả năng lao động theo lần giám định tổng hợp = 30% x 1.210.000 + (58 - 31) x 2% x 1.210.000 = 1.016.400 đồng

Mức lương tháng tính trợ cấp theo số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN = 24.200.000 + 3.000.000 = 27.200.000 đồng, lớn hơn 20 lần lương cơ sở nên chỉ được tính bằng 20 lần lương cơ sở là 24.200.000 đồng.

Thời gian đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN của ông A: từ 01/01/2013 đến 01/10/2015 (2 năm 9 tháng) và từ tháng 01/2016 đến tháng 12/2016 (1 năm), tổng 3 năm 09 tháng

Trợ cấp tính theo số năm đóng bảo hiểm TNLĐ&BNN = 0,5% x 24.200.000 + (3 - 1) x 0,3% x 24.200.000 = 266.200 đồng

Tổng mức trợ cấp hàng tháng = 1.016.400 + 266.200 = 1.282.600 (đồng/tháng)

#5.3 Các khoản trợ cấp khác

Trợ cấp chi phí mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

Người lao động bị TNLĐ, BNN mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể: được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng.

Trợ cấp phục vụ

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định còn được hưởng trợ cấp phục vụ mỗi tháng bằng mức lương cơ sở.

Trợ cấp khi người lao động chết do TNLĐ, BNN

Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

Đối tượng áp dụng: người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật, bệnh tật do TNLĐ, BNN, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Nếu chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc: người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ&BNN.

Số ngày nghỉ hưởng chế độ: do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, cụ thể như sau:

  • Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị TNLĐ, BNN có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;
  • Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị TNLĐ, BNN có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;
  • Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị TNLĐ, BNN có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.

Mức hưởng chế độ: hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

#6. Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ&BNN

Hồ sơ để người lao động được hưởng trợ cấp là khác nhau với từng trường hợp cụ thể, chi tiết như sau:

Hồ sơ hưởng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp
Hồ sơ hưởng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp

#6.1 Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ&BNN lần đầu

Bộ hồ sơ đề nghị hưởng chế độ TNLĐ&BNN lần đầu bao gồm:

1. Biên bản giám định mức suy giảm KNLĐ của hội đồng Giám định y khoa hoặc bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (TH bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp), nếu qua giám định y khoa mà tỷ lệ suy giảm KNLĐ cao hơn 61% thì hồ sơ hưởng chế độ BNN trong trường hợp này phải có Biên bản giám định y khoa;

2. Trường hợp điều trị nội trú: Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ, BNN;

3. Trường hợp bị BNN mà không điều trị nội trú thì có thêm giấy khám BNN;

4. Chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có);

5. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ, BNN theo mẫu số 05A-HSB;

6. Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.

#6.2 Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ&BNN theo kết quả giám định sau khi thương tật, bệnh tật tái phát

Bộ hồ sơ đề nghị hưởng chế độ TNLĐ&BNN cho trường hợp này bao gồm:

1. Sổ BHXH;

2. Trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 01/7/2016 mà lần giám định trước không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN: Biên bản điều tra TNLĐ hoặc kết quả đo đạc quan trắc môi trường lao động; TH bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì có thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông hoặc Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan Công an hoặc cơ quan điều tra hình sự Quân đội;

3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động lần trước gần nhất của Hội đồng Giám định y khoa đối với trường hợp đã được giám định nhưng không đủ điều kiện về mức suy giảm khả năng lao động để hưởng trợ cấp;

4. Biên bản giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật tái phát của Hội đồng Giám định y khoa;

5. Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc của bệnh viện cấp tỉnh và tương đương trở lên về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có)phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình(nếu có);

6. Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.

#6.3 Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ&BNN lần 2 do tiếp tục bị TNLĐ, BNN

Trường hợp được giám định tổng hợp do đã bị TNLĐ, BNN nay tiếp tục bị TNLĐ hoặc BNN:

1. Bản sao giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ, BNN của lần điều trị nội trú sau cùng;

2. Trường hợp bị TNLĐ điều trị xong, ra viện trước ngày 01/07/2106 mà chưa được giám định mức suy giảm KNLĐ: Biên bản điều tra TNLĐ; nếu bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ thì có thêm bản sao một trong các giấy tờ sau: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông hoặc Biên bản tai nạn giao thông của cơ quan Công an hoặc cơ quan điều tra hình sự Quân đội;

3. Trường hợp bị BNN điều trị xong, ra viện trước ngày 01 tháng 7 năm 2016 mà chưa được giám định mức suy giảm KNLĐ: Bản sao Kết quả đo đạc, quan trắc môi trường lao động;

4. Biên bản giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng Giám định y khoa; trường hợp lần bị TNLĐ, BNN trước đã được giám định mức suy giảm khả năng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thì có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của lần giám định đó;

5. Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có);

6. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ, BNN theo mẫu số 05A-HSB đối với lần bị TNLĐ, BNN sau cùng; trường hợp lần bị TNLĐ, BNN trước đó tại đơn vị khác nhưng chưa được giải quyết chế độ thì có thêm văn bản đề nghị giải quyết của đơn vị nơi xảy ra TNLĐ, BNN;

7. Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa.

#6.4 Hồ sơ hưởng trợ cấp TNLĐ&BNN đối với người lao động phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN

Đối với người lao động phát hiện bị BNN khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị BNN, bộ hồ sơ bao gồm:

1. Đơn đề nghị hưởng chế độ BNN của người lao động theo mẫu số 01 (ban hành kèm theo Nghị định số 88/2020/NĐ-CP) hoặc văn bản của người sử dụng lao động nơi người lao động đang làm việc đề nghị giải quyết chế độ BNN (mẫu số 05A-HSB) áp dụng cho TH người lao động chuyển đến làm việc cho người sử dụng lao động khác;

2. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa;

3. Trường hợp thanh toán phí giám định y khoa thì có thêm hóa đơn, chứng từ thu phí giám định; bảng kê các nội dung giám định của cơ sở thực hiện giám định y khoa;

4. Chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy định về việc trang cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình (nếu có).

#7. Thời hạn giải quyết

Đối với giải quyết hưởng mới chế độ TNLĐ, BNN: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Đối với giải quyết hưởng BHXH một lần, trợ cấp một lần đối với người đang hưởng chế độ hàng tháng ra nước ngoài để định cư: Tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Trên đây là những chia sẻ của Hãng Kiểm toán ES-GLOCAL về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cập nhật những quy định mới nhất 2020. ES-GLOCAL xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý bạn đọc thời gian qua đã ủng hộ chúng tôi. Nếu có vấn đề chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://es-glocal.com/hoi-dap/. Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!

logo zalo

Hỏi đáp Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp - QUYỀN LỢI người lao động

menu
024 66 66 33 69
Top