1312, Tháp B, Tòa nhà The Light, Tố Hữu, Hà Nội

T2 - T7: 8:00 - 17:30

024 66 66 33 69

[email protected]

  • Ngôn ngữ tiếng anh

Vốn hóa chi phí lãi vay

22:43 09/08/2019 Tin Tức Es-glocal 0 bình luận

Vốn hóa chi phí lãi vay là gì? Chi phí đi vay được vốn hóa khi nào? Kế toán hạch toán khoản chi này ra sao? Hãng Kiểm toán Es-Glocal xin được chia sẻ đến bạn đọc thông qua bài viết dưới đây

    Vốn hóa chi phí lãi vay
    Vốn hóa chi phí lãi vay

    I. Vốn hóa chi phí lãi vay

    Chi phí đi vay phát sinh trong doanh nghiệp được chia làm 2 loại: chi phí đủ điều kiện vốn hóa và chi phí không đủ điều kiện vốn hóa

    Vốn hóa chi phí lãi vay là việc chi phí đi vay phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó. Khoản chi phí đi vay sau vốn hóa được gọi là chi phí lãi vay được vốn hóa.

    Chuẩn mực Kế toán VAS 16 quy định điều kiện vốn hóa chi phí lãi vay như sau:

    "Các chi phí đi vay được vốn hóa khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định một cách đáng tin cậy."

    Vậy: điều kiện để chi phí đi vay được vốn hóa là:

    • Doanh nghiệp xác định chắc chắn thu được lợi ích trong tương lai từ tài sản hình thành từ chi phí đi vay, đồng thời;
    • Khoản chi phí lãi vay phải được xác định một cách đáng tin cậy.

    II. Chi phí đi vay được vốn hóa và cách hạch toán

    Chi phí đi vay đủ điều kiện vốn hóa cần thỏa mãn 2 điều kiện nêu trên, đồng thời như Chuẩn mực Kế toán VAS 16 đề cập, chi phí đi vay được tính vào giá trị tài sản khi phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản cũng như sản xuất tài sản dở dang.

    Từ đó, ta xác định được các trường hợp chi phí đi vay được vốn hóa như sau:

    Trường hợp chi phí đi vay được vốn hóa

    TH1: Chi phí đi vay phát sinh trong đầu tư xây dựng cơ bản

    Căn cứ theo khoản 2.31 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định về chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản có đề cập như sau:

    Trích khoản 2.31 Điều 4 TT96/2015-TT/BTC
    Trích khoản 2.31 Điều 4 TT96/2015-TT/BTC

    Vậy: chi phí đi vay phát sinh trong giai đoạn đầu tư được vốn hóa vào giá trị đầu tư. Nếu doanh nghiệp phát sinh cả khoản thu và chi lãi tiền vay thì được bù trừ, chênh lệch âm ghi giảm giá trị đầu tư, chênh lệch dương ghi tăng giá trị đầu tư.

    TH2: Chi phí đi vay để sản xuất tài sản dở dang

    Chuẩn mực Kế toán VAS 16 đề cập như sau:

    "09. Trường hợp khoản vốn vay riêng biệt chỉ sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang thì chi phí đi vay có đủ điều kiện vốn hoá cho tài sản dở dang đó sẽ được xác định là chi phí đi vay thực tế phát sinh từ các khoản vay trừ (-) đi các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vay này."

    Vậy, ta có thể nhận thấy: chi phí đi vay trong 2 trường hợp này được đối xử như nhau: cùng vốn hóa một lượng đúng bằng chi phí đi vay phát sinh trừ đi khoản thu nhập nhận được từ việc đầu tư tạm thời các khoản vay đó.

    TH3: Chi phí đi vay dùng chung: sản xuất tài sản dở dang và đầu tư xây dựng cơ bản

    Trong trường hợp này, chi phí lãi vay vẫn sẽ được vốn hóa, nhưng phần chi phí được vốn hóa được xác định căn cứ theo tỷ lệ vốn hóa đối với chi phí luỹ kế bình quân gia quyền phát sinh cho việc ĐTXD hoặc sản xuất tài sản đó. Theo đó, tỷ lệ vốn hóa được xác định bằng lãi suất bình quân của các khoản vay chưa trả trong kỳ (sau khi đã loại trừ đi các khoản vay riêng biệt sử dụng nhằm mục đích sản xuất sản phẩm dở dang)

    Chú ý: Phần chi phí đi vay được vốn hóa luôn nhỏ hơn tổng chi phí đi vay phát sinh trong kỳ.

    Đối với các trường hợp khác, xét chi phí đi vay được vốn hóa hay không tùy theo từng quy định cụ thể.

    Ví dụ: chi phí đi vay phát sinh khi mua sắm TSCĐ cho doanh nghiệp

    Căn cứ điểm a khoản 1 điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định nguyên giá TSCĐ được xác định như sau:

    "Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm (kể cả mua mới và cũ): là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản cố định; chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ và các chi phí liên quan trực tiếp khác."

    Vậy: chi phí đi vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm TSCĐ (tính đến thời điểm TSCĐ sẵn sàng sử dụng) được vốn hóa, còn khoản chi phí đi vay phát sinh khi TSCĐ đã đi vào hoạt động được tính vào chi phí tài chính trong kỳ.

    Cách hạch toán

    Chi phí đi vay khi đã được vốn hóa được tính vào giá trị đầu tư hoặc giá trị sản phẩm dở dang

    Khi đó, kế toán tiến hành hạch toán như sau:

    Nợ TK 627, 241

    TK 111, 112, 242, 335

    Đối với những khoản vay không được vốn hóa, doanh nghiệp hạch toán vào chi phí tài chính trong kỳ

    III. Chi phí đi vay được vốn hóa có được trừ?

    Căn cứ theo TT96/2015-TT/BTC, các khoản chi để được trừ của doanh nghiệp cần thoản mãn 3 điều kiện sau:

    • Là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
    • Có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp
    • Chi mua hàng hóa dịch vụ từng lần từ 20 triệu đồng trở lên có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt

    Chi phí lãi vay của doanh nghiệp không được trừ khi:

    • Chi phí lãi vay tương ứng với số vốn điều lệ còn thiếu
    • Phần chi trả lãi tiền vay cá nhân vượt mức 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm vay

    --> Cách xác định khoản chi phí lãi vay được trừ, xem tại: https://es-glocal.com/tong-quan-chi-phi-lai-vay.html#mcetoc_1dh3358io1

    Vậy: chi phí đi vay được vốn hóa được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN khi thoản mãn 3 điều kiện cần là chi phí hợp lý, đồng thời doanh nghiệp đã góp đủ vốn tại thời điểm vay, khoản vay cá nhân có lãi suất phù hợp (không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm vay)

    Chi phí đi vay được trừ khi doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng từ cần thiết để hợp lý hóa khoản vay

    --> Để nắm bắt đầy đủ bộ hồ sơ cần thiết hợp lý hóa chi phí lãi vay, xem tại: https://es-glocal.com/tong-quan-chi-phi-lai-vay.html#mcetoc_1dh335rsp2

    IV. Thời điểm vốn hóa

    Tài sản đủ điều kiện vốn hóa được bắt đầu vốn hóa khi:

    • Phát sinh các chi phí cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất sản phẩm dở dang;
    • Phát sinh chi phí đi vay;
    • Các hoạt động cần thiết để chuẩn bị đua tài sản vào sử dụng (bán) đang được tiến hành.

    Trong đó: + Chi phí cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất sản phẩm dở dang đề cập đến các chi phí phải thanh toán bằng tiền, tài sản tài sản khác hoặc các khoản nợ phải trả lãi, không tính đến các khoản trợ cấp hoặc hỗ trợ liên quan đến tài sản.

    + Các hoạt động cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản vào sử dụng hoặc bán bao gồm: hoạt động xây dựng, sản xuất, kỹ thuật và quản lý chung trước khi bắt đầu xây dựng, sản xuất, ví dụ như: việc xin giấy phép trước khi khởi công xây dựng hoặc sản xuất.

    Chú ý: Những hoạt động này không bao gồm việc giữ một tài sản (khi không tiến hành các hoạt động xây dựng hoặc sản xuất) để thay đổi trạng thái của tài sản này.

    Ví dụ: chi phí đi vay liên quan đến việc mua một mảnh đất cần có các hoạt động chuẩn bị mặt bằng

    Khoản chi phí này sẽ được vốn hoá trong kỳ khi phát sinh liên quan đến các hoạt động nhằm chuẩn bị mặt bằng đó. Tuy nhiên, chi phí đi vay phát sinh khi mua mảnh đất đó để giữ mà không triển khai xây dựng (liên quan đến mảnh đất đó) thì không được vốn hoá.

    V. Tạm dừng vốn hóa

    Khi quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất sản phẩm dở dang bị gián đoạn (nếu sự gián đoạn đó không cần thiết): chi phí đi vay tạm dừng vốn hóa.

    Khi đó, chi phí đi vay được ghi nhận là chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ cho đến khi tiếp tục vốn hóa, tức việc đầu tư xây dựng, sản xuất sản phẩm dở dang tiếp tục được thực hiện.

    VI. Chấm dứt vốn hóa

    Khi các hoạt động cần thiết cho việc đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành, việc vốn hóa chi phí đi vay sẽ chấm dứt. Sau chấm dứt vốn hóa, nếu còn phát sinh chi phí lãi vay, doanh nghiệp ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.

    Trường hợp tài sản được hoàn thành theo từng bộ phận, mỗi bộ phận có thể sử dụng riêng biệt không phụ thuộc vào tiến trình hoàn thành của bộ phận khác: chi phí đi vay được chấm dứt vốn hóa khi các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc đưa từng bộ phận vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành.

    Trường hợp một dự án bao gồm nhiều công trình xây dựng, mỗi công trình có thể sử dụng riêng biệt: việc vốn hoá sẽ được chấm dứt đối với vốn vay dùng cho từng công trình riêng biệt hoàn thành. Tuy nhiên, đối với xây dựng một nhà máy công nghiệp gồm nhiều hạng mục công trình trên một dây chuyền thì việc vốn hoá chỉ chấm dứt khi tất cả các hạng mục công trình cùng được hoàn thành.

    Trên đây là chia sẻ của Hãng Kiểm toán Es-Glocal đến bạn đọc về Vốn hóa chi phí đi vay: http://es-glocal.com/von-hoa-chi-phi-di-vay.html

    Để cập nhật những bài viết mới nhất của chúng tôi về Chi phí lãi vay, vui lòng xem tại: https://es-glocal.com/tag/chi-phi-lai-vay/

    Hãng Kiểm toán Es-Glocal (https://es-glocal.com/) xin cảm ơn quý bạn đọc! Kính mong quý bạn đọc tiếp tục đón đọc các bài viết tiếp theo của chúng tôi.

    logo zalo

    Hỏi đáp Vốn hóa chi phí lãi vay

    menu
    024 66 66 33 69
    Top