1312, Tháp B, Tòa nhà The Light, Tố Hữu, Hà Nội

T2 - T7: 8:00 - 17:30

024 66 66 33 69

[email protected]

  • Ngôn ngữ tiếng anh

Trình tự thẩm định giá của Nhà nước

12:34 04/10/2017 Tin Tức Es-glocal 0 bình luận

Kiểm toán Es-Glocal chia sẻ trình tự thẩm định giá của nhà nước? Trình tự và thủ tục thẩm định giá nhà nước chi tiết như sau:

    Điều 23. Yêu cầu thẩm định giá tài sản

    1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản theo yêu cầu hoặc đề nghị (sau đây gọi chung là yêu cầu) bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao mua, bán, thanh lý, cho thuê, đi thuê tài sản nhà nước trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 31 và Điều 44 của Luật giá, cụ thể như sau:
    a) Mua, bán, thanh lý, cho thuê tài sản nhà nước hoặc đi thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
    b) Không thuê được doanh nghiệp thẩm định giá đối với tài sản nhà nước trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao mua, bán, thanh lý, cho thuê, đi thuê tài sản nhà nước đã đăng công khai thông tin sau 15 (mười lăm) ngày mời cung cấp dịch vụ thẩm định giá nhưng không có doanh nghiệp thẩm định giá tham gia, trừ trường hợp đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
    c) Mua, bán tài sản thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về danh mục bí mật nhà nước;
    d) Mua, bán tài sản nhà nước có giá trị lớn mà sau khi đã thuê doanh nghiệp thẩm định giá, cơ quan hoặc người có thẩm quyền phê duyệt thấy cần thiết phải có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo phân cấp thẩm định giá tài sản nhà nước quy định tại Điểm n Khoản 2, Điểm b Khoản 3 và Điểm b Khoản 4 Điều 5 Nghị định này.

    2. Văn bản yêu cầu thẩm định giá tài sản phải có các nội dung chính sau đây:
    a) Tên cơ quan yêu cầu thẩm định giá;
    b) Nội dung yêu cầu thẩm định giá;
    c) Thông tin về tài sản cần thẩm định giá kèm theo tài liệu có liên quan; chứng thư giám định tình trạng kinh tế-kỹ thuật, chất lượng của tài sản cần thẩm định giá; chứng thư, báo cáo kết quả thẩm định giá (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan.

    3. Trường hợp cần thiết phải có ý kiến thẩm định giá của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này thì trong văn bản yêu cầu phải ghi rõ lý do yêu cầu có ý kiến thẩm định giá.

    Điều 24. Tiếp nhận yêu cầu thẩm định giá tài sản

    1. Văn bản yêu cầu thẩm định giá tài sản được gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản theo phân cấp quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 5 Nghị định này.

    2. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản có trách nhiệm tổ chức thực hiện thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của cơ quan có văn bản yêu cầu thẩm định giá; trường hợp cần thiết thì thành lập Hội đồng thẩm định giá theo quy định tại Điều 45 của Luật giá, Điều 28 của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

    3. Trường hợp từ chối thẩm định giá do không đúng thẩm quyền quản lý nhà nước về thẩm định giá quy định tại Điều 5 của Nghị định này; không đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 26 và Điểm c Khoản 1 Điều 29 Nghị định này; các trường hợp không được tham gia thẩm định giá quy định tại Điều 31 Nghị định này, cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

    Điều 25. Trình tự thẩm định giá tài sản

    1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản theo trình tự sau:
    a) Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá;
    b) Lập kế hoạch thẩm định giá;
    c) Khảo sát thực tế, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần thẩm định giá;
    d) Phân tích thông tin;
    đ) Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá căn cứ vào quy chế tính giá tài sản hàng hóa, dịch vụ, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành; các nguyên tắc, căn cứ, phương pháp xác định giá theo quy định của pháp luật liên quan đến tài sản cần thẩm định giá;
    e) Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá trình thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá phê duyệt; sau đó gửi văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá cho cơ quan yêu cầu thẩm định giá.

    2. Tùy theo tài sản cần thẩm định, trình tự thẩm định giá có thể rút gọn một số bước so với quy định tại Khoản 1 Điều này.

    3. Cơ quan có yêu cầu thẩm định giá có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến tài sản cần thẩm định giá; phối hợp tổ chức khảo sát thực tế tài sản cần thẩm định giá, nếu cần thiết.

    Điều 26. Quyền, nghĩa vụ của thủ trưởng, công chức cơ quan nhà nước khi thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước

    1. Thủ trưởng, công chức cơ quan nhà nước có quyền:
    a) Tổ chức thực hiện thẩm định giá theo thẩm quyền quy định tại Điều 5 Nghị định này hoặc thực hiện thẩm định giá theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được yêu cầu thẩm định giá;
    b) Yêu cầu cơ quan có yêu cầu thẩm định giá hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản cần thẩm định giá hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc thẩm định giá tài sản;
    c) Thủ trưởng cơ quan nhà nước có quyền thuê tổ chức có chức năng thực hiện giám định tình trạng kinh tế - kỹ thuật, chất lượng của tài sản; thuê thẩm định giá tài sản nhằm có thêm thông tin phục vụ cho việc thẩm định giá của cơ quan nhà nước. Kinh phí thuê thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định này;
    d) Từ chối việc thẩm định giá tài sản trong trường hợp không có đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;
    đ) Được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về thẩm định giá và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    2. Thủ trưởng, công chức cơ quan nhà nước có nghĩa vụ:

    a) Tuân thủ trình tự thẩm định giá tài sản theo quy định tại Điều 25 Nghị định này;
    b) Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ; tính trung thực, khách quan trong quá trình thẩm định giá tài sản;
    c) Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.

    3. Ngoài các quyền, nghĩa vụ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, Thủ trưởng, công chức cơ quan nhà nước khi thực hiện thẩm định giá tài sản nhà nước có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về công chức.

    Điều 27. Lập và lưu trữ hồ sơ thẩm định giá tài sản

    1. Hồ sơ thẩm định giá tài sản do cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản hoặc Hội đồng thẩm định giá lập gồm có các tài liệu sau đây:
    a) Văn bản yêu cầu thẩm định giá tài sản; Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá trong trường hợp thành lập Hội đồng thẩm định giá;
    b) Báo cáo kết quả thẩm định giá và văn bản trả lời về kết quả thẩm định giá; Biên bản thẩm định giá tài sản và Kết luận thẩm định giá tài sản trong trường hợp thành lập Hội đồng thẩm định giá;
    c) Các tài liệu khác có liên quan đến việc thẩm định giá tài sản.

    2. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định giá tài sản hoặc cơ quan chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định giá có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ hồ sơ thẩm định giá theo quy định của pháp luật về lưu trữ. Thời gian lưu trữ tối thiểu là 10 (mười) năm kể từ ngày kết thúc việc thẩm định giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

    Điều 28. Hội đồng thẩm định giá

    1. Thành phần của Hội đồng thẩm định giá
    a) Hội đồng thẩm định giá tài sản của Bộ Tài chính được thành lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước quy định tại Điểm n Khoản 2 Điều 5 Nghị định này do lãnh đạo Bộ Tài chính hoặc người được ủy quyền làm Chủ tịch, các thành viên khác gồm:
    - Đại diện đơn vị chuyên môn về quản lý giá thuộc Bộ Tài chính;
    - Đại diện đơn vị chuyên môn về quản lý tài sản nhà nước thuộc Bộ Tài chính;
    - Các thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm của tài sản cần thẩm định giá.
    Trường hợp Hội đồng thẩm định giá tài sản do Bộ Tài chính thành lập theo thẩm quyền quản lý nhà nước quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 5 Nghị định này, thành phần Hội đồng thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này.
    b) Hội đồng thẩm định giá tài sản của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của trung ương (sau đây gọi tắt là Bộ, cơ quan trung ương) do lãnh đạo Bộ, cơ quan trung ương có tài sản cần thẩm định giá hoặc người được ủy quyền làm Chủ tịch, các thành viên khác gồm:
    - Thủ trưởng đơn vị có tài sản cần thẩm định giá;
    - Đại diện đơn vị chuyên môn về quản lý giá hoặc quản lý tài chính thuộc Bộ, cơ quan trung ương và bộ phận chuyên môn về giá hoặc tài chính, kế toán của đơn vị có tài sản cần thẩm định giá;
    - Các thành viên khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm của tài sản cần thẩm định giá.
    c) Hội đồng thẩm định giá tài sản cấp tỉnh, cấp huyện do lãnh đạo hoặc người được ủy quyền của cơ quan tài chính nhà nước (Sở Tài chính, Phòng Tài chính Kế hoạch) làm Chủ tịch, các thành viên khác gồm:
    - Đại diện đơn vị có tài sản cần thẩm định giá;
    - Đại diện đơn vị chuyên môn về quản lý giá, quản lý tài chính của cơ quan tài chính nhà nước;
    - Các thành viên khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng quyết định, căn cứ vào tính chất, đặc điểm của tài sản cần thẩm định giá.
    d) Hội đồng thẩm định giá tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi chung là đơn vị) được giao mua, bán, quản lý và sử dụng tài sản do lãnh đạo đơn vị có tài sản cần thẩm định giá hoặc người được ủy quyền làm Chủ tịch, các thành viên khác gồm:
    - Đại diện bộ phận chuyên môn về giá hoặc tài chính, kế toán của đơn vị được giao mua, bán, quản lý, sử dụng tài sản;
    - Đại diện bộ phận chuyên môn về giá hoặc tài chính của cơ quan cấp trên;
    - Các thành viên khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm của tài sản cần thẩm định giá.

    2. Hội đồng thẩm định giá phải có ít nhất một thành viên đã qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá theo quy định của Bộ Tài chính hoặc đã có bằng tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học chuyên ngành vật giá, thẩm định giá.

    3. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá quyết định thành lập Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định giá.

    4. Hội đồng thẩm định giá làm việc theo nguyên tắc tập thể. Phiên họp thẩm định giá chỉ được tiến hành khi có mặt ít nhất 2/3 số lượng thành viên của Hội đồng thẩm định giá tài sản trở lên tham dự. Trường hợp Hội đồng thẩm định giá tài sản chỉ có 03 thành viên thì phiên họp phải có mặt đủ 03 thành viên. Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá điều hành phiên họp thẩm định giá. Trước khi tiến hành phiên họp thẩm định giá, những thành viên vắng mặt phải có văn bản gửi tới Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá nêu rõ lý do vắng mặt và có ý kiến độc lập của mình về các vấn đề liên quan đến giá của tài sản cần thẩm định.
    Hội đồng thẩm định giá kết luận về giá của tài sản theo ý kiến đa số đã được biểu quyết và thông qua của thành viên Hội đồng có mặt tại phiên họp. Trong trường hợp có ý kiến ngang nhau thì bên có biểu quyết của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định. Thành viên của Hội đồng thẩm định giá có quyền bảo lưu ý kiến của mình nếu không đồng ý với kết luận về giá của tài sản do Hội đồng quyết định; ý kiến bảo lưu đó được ghi vào Biên bản phiên họp thẩm định giá tài sản.

    5. Hội đồng thẩm định giá tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều này chấm dứt hoạt động sau khi hoàn thành nhiệm vụ quy định tại Quyết định thành lập Hội đồng. Các trường hợp phát sinh sau khi Hội đồng thẩm định giá chấm dứt hoạt động sẽ do cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng chủ trì xử lý.

    Điều 29. Quyền, nghĩa vụ của Hội đồng thẩm định giá

    1. Hội đồng thẩm định giá có quyền:
    a) Yêu cầu cơ quan có yêu cầu thẩm định giá hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản cần thẩm định giá hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc thẩm định giá tài sản;
    b) Thuê tổ chức có chức năng thực hiện giám định tình trạng kinh tế - kỹ thuật, chất lượng của tài sản; thuê thẩm định giá tài sản nhằm có thêm thông tin phục vụ cho việc thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá. Kinh phí thuê thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định này;
    c) Từ chối việc thẩm định giá tài sản trong trường hợp không có đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;
    d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

    2. Hội đồng thẩm định giá có nghĩa vụ:
    a) Tuân thủ trình tự thẩm định giá tài sản theo quy định tại Điều 25 Nghị định này;
    b) Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ; tính trung thực, khách quan trong quá trình thẩm định giá tài sản và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giá tài sản;
    c) Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật;
    d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
    3. Hội đồng thẩm định giá được sử dụng con dấu của cơ quan quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá tài sản.

    Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thẩm định giá

    1. Thành viên của Hội đồng thẩm định giá có quyền:
    a) Tiếp cận thông tin, tài liệu có liên quan phục vụ cho việc thẩm định giá tài sản;
    b) Đưa ra nhận định, đánh giá của mình trong quá trình thẩm định giá;
    c) Biểu quyết, để xác định giá của tài sản; trường hợp có ý kiến khác thì có quyền bảo lưu ý kiến của mình và được ghi vào biên bản họp Hội đồng;
    d) Được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về thẩm định giá và quy định khác của pháp luật có liên quan;
    đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

    2. Thành viên của Hội đồng thẩm định giá có nghĩa vụ:
    a) Tuân thủ trình tự thẩm định giá tài sản theo quy định tại Điều 25 Nghị định này;
    b) Bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ; tính trung thực, khách quan trong quá trình thẩm định giá tài sản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến nhận định, đánh giá của mình quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này;
    c) Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật;
    d) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

    Điều 31. Các trường hợp không được tham gia thẩm định giá
    1. Người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến tài sản cần thẩm định giá hoặc đã tiến hành thẩm định giá tài sản đó trước khi thành lập Hội đồng thẩm định giá.

    2. Người có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột là thẩm định viên về giá, người có trách nhiệm quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát của doanh nghiệp thẩm định giá đã tiến hành thẩm định giá tài sản đó trước khi thành lập Hội đồng thẩm định giá.

    3. Người đang trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên, người đang bị quản chế hành chính; người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

    Điều 32. Chi phí thẩm định giá tài sản nhà nước

    1. Chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá của Nhà nước được trang trải bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước của cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định giá hoặc cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định giá trong trường hợp thành lập Hội đồng thẩm định giá. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá tài sản của Nhà nước.

    2. Riêng đối với trường hợp thẩm định giá khi mua sắm, bán, thanh lý tài sản nhà nước thì chi phí phục vụ cho việc thẩm định giá thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan.

    Mời các bạn xem tiếp:

    logo zalo

    Hỏi đáp Trình tự thẩm định giá của Nhà nước

    menu
    024 66 66 33 69
    Top