1312, Tháp B, Tòa nhà The Light, Tố Hữu, Hà Nội

T2 - T7: 8:00 - 17:30

024 66 66 33 69

[email protected]

  • Ngôn ngữ tiếng anh

Tổng quan chi phí lãi vay và những điều cần biết

13:47 01/12/2020 Tin Tức Nguyễn Đình Viên 0 bình luận

Chi phí lãi vay hay còn gọi là chi phí đi vay là gì? Các quy định, vấn đề liên quan tới chi phí lãi vay là gì? Hãng Kiểm toán Es-Glocal xin được chia sẻ đến bạn đọc tất cả những thông tin tổng quan về chi phí lãi vay trong bài viết dưới đây.

Chi phí lãi vay là gì?
Tổng quan về chi phí lãi vay

Trước hết bạn xem qua nội dung chính bên dưới nhé.

#1. Chi phí lãi vay là gì?

Chi phí lãi vay hay còn gọi là chi phí đi vay là khoản lãi tiền vay và các chi phí khác phát sinh liên quan trực tiếp đến các khoản vay của doanh nghiệp. Cụ thể, chi phí đi vay bao gồm:

  • Lãi tiền vay ngắn hạn, lãi tiền vay dài hạn, kể cả lãi tiền vay trên các khoản thấu chi;

  • Phần phân bổ các khoản chiết khấu hoặc phụ trội phát sinh liên quan đến những khoản vay do phát hành trái phiếu;

  • Phần phân bổ các khoản chi phí phụ phát sinh liên quan tới quá trình làm thủ tục vay;

  • Chi phí tài chính của tài sản thuê tài chính.

#2. Cách tính chi phí lãi vay

Cách tính chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Chi phí lãi vay được tính như thế nào cho trường hợp vay của ngân hàng; vay của cá nhân, tổ chức khác? Mỗi trường hợp đó có sự khác nhau gì không?

>>> Xem thêm bài viết cách tính chi phí lãi vay tại đây nhé!

#3. Nguyên tắc ghi nhận lãi vay

Theo Chuẩn mực Kế toán số 16 quy định về Chi phí đi vay như sau:

"Ghi nhận chi phí đi vay

06. Chi phí đi vay phải ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh, trừ khi được vốn hoá theo quy định tại đoạn 07

07. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó (được vốn hoá) khi có đủ các điều kiện quy định trong chuẩn mực này

08. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó. Các chi phí đi vay được vốn hoá khi doanh nghiệp chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó và chi phí đi vay có thể xác định được một cách đáng tin cậy".

Như vậy, căn cứ vào đâu để xác định khoản chi phí đi vay được vốn hóa?

Theo VAS 16 thì chi phí đi vay được vốn hóa xác định như sau:

  • Khoản vốn vay riêng biệt chỉ sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang:
Chi phí đi vay có đủ điều kiện vốn hoá cho tài sản dở dang đó = Chi phí đi vay thực tế phát sinh từ các khoản vay - Các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vay đó

Lưu ý: Các khoản thu nhập phát sinh từ hoạt động đầu tư tạm thời của các khoản vốn vay riêng biệt trong khi chờ được sử dụng vào mục đích có được tài sản dở dang: ghi giảm trừ vào chi phí đi vay phát sinh khi vốn hoá.

  • Trường hợp phát sinh các khoản vốn vay chung, sử dụng cho mục đích đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang thì số chi phí đi vay có đủ điều kiện vốn hoá trong mỗi kỳ kế toán được xác định theo tỷ lệ vốn hoá đối với chi phí luỹ kế bình quân gia quyền phát sinh cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản đó. Tỷ lệ vốn hoá được tính theo tỷ lệ lãi suất bình quân gia quyền của các khoản vay chưa trả trong kỳ của doanh nghiệp, ngoại trừ các khoản vay riêng biệt phục vụ cho mục đích có một tài sản dở dang. Chi phí đi vay được vốn hoá trong kỳ không được vượt quá tổng số chi phí đi vay phát sinh trong kỳ đó.
  • Nếu có phát sinh chiết khấu hoặc phụ trội khi phát hành trái phiếu: phải điều chỉnh lại lãi tiền vay bằng cách phân bổ giá trị khoản chiết khấu hoặc phụ trội và điều chỉnh tỷ lệ vốn hoá một cách phù hợp. Việc phân bổ khoản chiết khấu hoặc phụ trội có thể sử dụng phương pháp lãi suất thực tế hoặc phương pháp đường thẳng. Các khoản lãi tiền vay và khoản phân bổ chiết khấu hoặc phụ trội được vốn hoá trong từng kỳ không được vượt quá số lãi vay thực tế phát sinh và số phân bổ chiết khấu hoặc phụ trội trong kỳ đó.

#4. Cách xác định thời điểm bắt đầu, tạm dừng và chấm dứt vốn hóa lãi vay

#4.1 Thời điểm bắt đầu vốn hóa

- Vốn hoá chi phí đi vay vào giá trị tài sản dở dang được bắt đầu khi thoả mãn đồng thời các điều kiện sau:

  • Các chi phí cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bắt đầu phát sinh;
  • Các chi phí đi vay phát sinh;
  • Các hoạt động cần thiết trong việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đang được tiến hành.

- Chi phí cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang bao gồm các chi phí phải thanh toán bằng tiền, chuyển giao các tài sản khác hoặc chấp nhận các khoản nợ phải trả lãi, không tính đến các khoản trợ cấp hoặc hỗ trợ liên quan đến tài sản;

- Các hoạt động cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản vào sử dụng hoặc bán bao gồm: hoạt động xây dựng, sản xuất, hoạt động kỹ thuật và quản lý chung trước khi bắt đầu xây dựng, sản xuất như hoạt động liên quan đến việc xin giấy phép trước khi khởi công xây dựng hoặc sản xuất. Tuy nhiên những hoạt động này không bao gồm việc giữ một tài sản khi không tiến hành các hoạt động xây dựng hoặc sản xuất để thay đổi trạng thái của tài sản này.

Ví dụ chi phí đi vay liên quan đến việc mua một mảnh đất cần có các hoạt động chuẩn bị mặt bằng sẽ được vốn hoá trong kỳ khi các hoạt động liên quan đến việc chuẩn bị mặt bằng đó. Tuy nhiên, chi phí đi vay phát sinh khi mua mảnh đất đó để giữ mà không có hoạt động triển khai xây dựng liên quan đến mảnh đất đó thì chi phí đi vay không được vốn hoá.

#4.2 Tạm ngừng vốn hóa

- Việc vốn hoá chi phí đi vay sẽ được tạm ngừng lại trong các giai đoạn mà quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bị gián đoạn, trừ khi sự gián đoạn đó là cần thiết

- Việc vốn hoá chi phí đi vay được tạm ngừng lại khi quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang bị gián đoạn một cách bất thường. Khi đó chi phí đi vay phát sinh được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ cho đến khi việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tiếp tục.

#4.3 Chấm dứt vốn hóa

Việc vốn hoá chi phí đi vay sẽ chấm dứt khi các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành. Chi phí đi vay phát sinh sau đó sẽ được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh:

  • Một tài sản sẵn sàng đưa vào sử dụng hoặc bán khi quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản đã hoàn thành cho dù các công việc quản lý chung vẫn có thể còn tiếp tục. Trường hợp có sự thay đổi nhỏ (như trang trí tài sản theo yêu cầu của người mua hoặc người sử dụng) mà các hoạt động này chưa hoàn tất thì hoạt động chủ yếu vẫn coi là đã hoàn thành
  • Khi quá trình đầu tư xây dựng tài sản dở dang hoàn thành theo từng bộ phận và mỗi bộ phận có thể sử dụng được trong khi vẫn tiếp tục quá trình đầu tư xây dựng các bộ phận khác, thì việc vốn hoá các chi phí đi vay sẽ chấm dứt khi tất cả các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa từng bộ phận vào sử dụng hoặc bán đã hoàn thành
  • Một khu thương mại bao gồm nhiều công trình xây dựng, mỗi công trình có thể sử dụng riêng biệt thì việc vốn hoá sẽ được chấm dứt đối với vốn vay dùng cho từng công trình riêng biệt hoàn thành. Tuy nhiên, đối với xây dựng một nhà máy công nghiệp gồm nhiều hạng mục công trình trên một dây chuyền thì việc vốn hoá chỉ chấm dứt khi tất cả các hạng mục công trình cùng được hoàn thành.

Vậy: có thể nói, ngoại trừ những chi phí tiền vay được vốn hóa, các khoản chi phí tiền vay còn lại được ghi nhận là chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ, thể hiện ở khoản mục Chi phí tài chính trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

#5. Hạch toán lãi tiền vay

hạch toán chi phí lãi vay

Cùng là khoản lãi tiền vay của doanh nghiệp tuy nhiên tùy theo tính chất của khoản lãi tiền vay này thì sẽ được hạch toán không giống nhau. Khi lãi vay này được vốn hóa hoặc không phải vốn hóa hạch toán như thế nào? Lãi vay được trừ và không được trừ hạch toán có sự khác nhau không? Trường hợp lãi vay trả hàng kỳ và trả cuối kỳ lại được hạch toán như thế nào?

>>> Xem thêm hướng dẫn hạch toán chi phí lãi vay tại đây nhé!

Lưu ý: khoản vay sử dụng chung cho mục đích đầu tư xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang: số chi phí đi vay đủ điều kiện vốn hóa trong mỗi kỳ kế toán được xác định theo tỷ lệ vốn hoá đối với chi phí luỹ kế bình quân gia quyền phát sinh cho việc đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản đó. Nói cách khác, lãi vay đối với khoản vay sử dụng cho đầu tư xây dựng tài sản dưới 12 tháng được hạch toán vào tài khoản 635, tức là chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ, mà không được vốn hóa vào giá trị tài sản.

#6. Chi phí lãi vay được trừ

TT96/2015-TT/BTC quy định khoản lãi vay được tính là chi phí hợp lý của doanh nghiệp, đồng thời được trừ khi xác định thuế TNDN khi thoản mãn:

  • Chi phí lãi vay đối với khoản vay cá nhân có mức lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm vay.

Ví dụ: Hãng Kiểm toán Es-Glocal vay của ông A 500.000.000 đồng với lãi suất vay là 1,8%/tháng. (Biết rằng Công ty đã góp đủ vốn điều lệ theo tiến độ)

- Mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay là 0.9%/tháng.

- Lãi suất hợp lý (Không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay) = 0,9% x 150% = 1,35%

- chi phí lãi vay phải trả cho ông A 1 tháng: = 500.000.000 x 1,8% = 9.000.000/tháng

- chi phí lãi vay được trừ tối đa = 500.000.000 x 1,35% = 6.750.000/tháng

Phần chi phí lãi vay chênh lên vượt quá 150% lãi suất Ngân hàng Nhà nước: 9.000.000 - 6.750.000 = 2.250.000 đồng/tháng không được tính vào chi phí hợp lý và bị loại ra khi xác định thuế TNDN.

  • Chi trả lãi tiền vay vốn tương ứng với phần vốn điều lệ (đối với doanh nghiệp tư nhân là vốn đầu tư) đã đăng ký còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp kể cả trường hợp doanh nghiệp đã đi vào sản xuất kinh doanh không được trừ khi xác định thuế TNDN. Chi trả lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được ghi nhận vào giá trị của tài sản, giá trị công trình đầu tư.

Điều 4 TT96/2015-TT/BTC quy định cách xác định chi phí lãi tiền vay không được trừ trong trường hợp này như sau:

"Trường hợp doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ, trong quá trình kinh doanh có khoản chi trả lãi tiền vay để đầu tư vào doanh nghiệp khác thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Chi trả lãi tiền vay tương ứng với vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của doanh nghiệp không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được xác định như sau:

- Trường hợp số tiền vay nhỏ hơn hoặc bằng số vốn điều lệ còn thiếu thì toàn bộ lãi tiền vay là khoản chi không được trừ.

- Trường hợp số tiền vay lớn hơn số vốn điều lệ còn thiếu theo tiến độ góp vốn:

+ Nếu doanh nghiệp phát sinh nhiều khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền vay không được trừ bằng tỷ lệ (%) giữa vốn điều lệ còn thiếu trên tổng số tiền vay nhân (x) tổng số lãi vay.

+ Nếu doanh nghiệp chỉ phát sinh một khoản vay thì khoản chi trả lãi tiền không được trừ bằng số vốn điều lệ còn thiếu nhân (x) lãi suất của khoản vay nhân (x) thời gian góp vốn điều lệ còn thiếu."

Ví dụ: Công ty A trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cấp ngày 02/08/2014, đăng ký vốn điều lệ là 5 tỷ đồng Theo tiến độ góp vốn ghi trong điều lệ của DN là trong vòng 90 ngày các cổ đông phải góp đủ số vốn đã đăng ký. Tuy nhiên, khi đến hạn (02/11/2014), các cổ đông mới chỉ góp được: 3,5 tỷ đồng (thiếu 1,5 tỷ đồng)

TH1: Công ty A vay của ngân hàng Shinhan 1,1 tỷ đồng với lãi suất là 9%/tháng. Do số tiền vay nhỏ hơn số vốn điều lệ còn thiếu nên toàn bộ chi phí lãi tiền vay của khoản vay này không được tính là chi phí hợp lý, cụ thể số tiền là: 1.100.000.000 x 9% = 99.000.000 đồng

TH2: Tại thời điểm ngày 02/11/2014, vốn điều lệ công ty A còn thiết 1, tỷ đồng. Công ty A vay của ngân hàng Shinhan 2 tỷ đồng. Đến ngày 23/12/2014, các cổ đông đã góp thêm được 1 tỷ đồng (thiếu 500 triệu đồng), công ty A tiếp tục vay của ngân hàng Shinhan thêm 800 triệu đồng nữa. Từ ngày 23/12/2014 đến 31/12/2014, các cổ đông không góp thêm vốn.

Biết phần lãi tiền vay của khoản vay từ 02/11/2014 đến 23/12/2014 là 100 triệu đồng, của khoản vay từ ngày 23/12/2014 đến hết năm tài chính là 15 triệu đồng. Khoản chi trả lãi tiền vay trong năm không được trừ được xác định như sau:

(1.500.000.000/2.000.000.000) x 100.000.000 + (500.000.000/800.000.000) x 15.000.000 = 84.375.000 đồng

Vậy phần chi trả lãi tiền vay còn lại: 100.000.000 + 15.000.000 - 84.375.000 = 30.625.000 đồng được tính là chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN.

TH3: Công ty A vay của ngân hàng Shinhan 2 tỷ đồng, lãi suất 9%/tháng, đến ngày 02/12/2014, công ty đã góp đủ vốn điều lệ: công ty không được trừ khoản chi phí lãi tiền vay tương ứng với số vốn điều lệ còn thiếu, cụ thể số tiền là: 1.500.000.000 x 9% x 1= 135.000.000 đồng

Phần chi phí lãi vay còn lại: 2.000.000.000 x 9% - 135.000.000 = 45.000.000 đồng là chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN.

Chú ý: Lãi vay đã được ghi nhận vào giá trị tài sản, công trình đầu tư (đã được vốn hóa) không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 4 TT96/2015-TT/BTC.

#7. Hồ sơ khoản chi phí lãi tiền vay

Để hợp lý hóa khoản lãi tiền vay, ngoài việc đủ các điều kiện là chi phí được trừ của thông tư thì doanh nghiệp cần có bộ hồ sơ gì?

>>> Xem thêm hồ sơ của tiền lãi vay tại đây nhé!

#8. Cách tính phi phí lãi vay trong giao dịch liên kết

Ngoài trừ các khoản chi phí tiền lãi vay nói trên, trường hợp doanh nghiệp có phát sinh giao dịch với các bên liên kết hay còn gọi là quan hệ liên kết thì chi phí lãi vay trong trường hợp này có gì khác?

>>> Xem chi tiết cách tính chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết tại đây nhé!

#9. Một số câu hỏi thường gặp về lãi vay

Hỏi: Trả tiền lãi vay cá nhân có phải chịu thuế TNCN hay không?

Trả lời: Tiền lãi vay cá nhân chịu thuế TNCN 5% bạn nhé.

Hỏi: Có phải xuất hóa đơn tiền lãi vay hay không?

Trả lời: ES-GLOCAL đã chia sẻ tiền lãi vay có phải xuất hóa đơn không? bạn xem tại đây nhé.

Hỏi: Chi phí lãi tiền vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được xác định như thế nào?

Trả lời: ES-GLOCAL đã chia sẻ cách tính chi phí lãi vay theo Nghị định 132 bạn xem tại đây nhé.

Hỏi: chi phí lãi vay là gì?

Trả lời: ES-GLOCAL đã định nghĩa chi phí lãi vay là gì bạn xem tại đây nhé.

Trên đây là toàn bộ chia sẻ của Hãng Kiểm toán ES-GLOCAL về tổng quan chi phí lãi vay. Nếu có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://es-glocal.com/hoi-dap/. Cám ơn bạn đã theo dõi.

logo zalo

Hỏi đáp Tổng quan chi phí lãi vay và những điều cần biết

menu
024 66 66 33 69
Top