1312, Tháp B, Tòa nhà The Light, Tố Hữu, Hà Nội

T2 - T7: 8:00 - 17:30

024 66 66 33 69

[email protected]

  • Ngôn ngữ tiếng anh

Hướng dẫn kê khai thuế hàng bán bị trả lại đối với bên mua và bên bán

11:48 10/09/2021 Tin Tức Đặng Tiến Trung 0 bình luận

Kê khai thuế hàng bán bị trả lại như thế nào? ES-GLOCAL xin chia sẻ tới bạn đọc qua bài viết dưới đây. Nội dung bài viết sẽ đưa ra các ví dụ cụ thể về kê khai thuế đối với hàng bán bị trả lại trong từng trường hợp cụ thể.

    Hướng dẫn kê khai thuế hàng bán bị trả lại
    Hướng dẫn kê khai thuế hàng bán bị trả lại

    Hàng bán bị trả lại là giá trị khối lượng hàng bán đã xác định là tiêu thụ bị khách hàng trả lại và từ chối thanh toán. Do các nguyên nhân như: Vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách.

    #1. Quy định về việc lập hóa đơn hàng bán trả lại

    Theo quy định tại Phụ lục 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC
    "2.8. Tổ chức, cá nhân mua hàng hoá, người bán đã xuất hoá đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại toàn bộ hay một phần hàng hoá, khi xuất hàng trả lại cho người bán, cơ sở phải lập hoá đơn, trên hoá đơn ghi rõ hàng hoá trả lại người bán do không đúng quy cách, chất lượng, tiền thuế GTGT (nếu có).

    Trường hợp người mua là đối tượng không có hoá đơn, khi trả lại hàng hoá, bên mua và bên bán phải lập biên bản ghi rõ loại hàng hoá, số lượng, giá trị hàng trả lại theo giá không có thuế GTGT, tiền thuế GTGT theo hoá đơn bán hàng (số ký hiệu, ngày, tháng của hoá đơn), lý do trả hàng và bên bán thu hồi hóa đơn đã lập."

    #2. Cách kê khai hàng bán bị trả lại

    Theo Công văn 4943/TCT-KK ngày 23/11/2015 của Tổng cục thuế:

    "Ví dụ 6: Tháng 05/2015 Công ty A xuất hóa đơn bán hàng cho Công ty B với tổng giá trị hàng hóa bán ra là 100 triệu đồng, thuế GTGT đầu ra 10 triệu đồng. Công ty A và Công ty B đã thực hiện kê khai hóa đơn này theo quy định. Tháng 07/2015, Công ty B phát hiện hàng hóa đã giao không đúng quy cách, chất lượng.

    - Trường hợp Công ty B trả lại toàn bộ hàng hóa: Công ty B xuất hóa đơn trả lại hàng cho Công ty A với giá trị hàng hóa trả lại là 100 triệu đồng, thuế GTGT là 10 triệu đồng. Căn cứ hóa đơn trả lại hàng, Công ty A điều chỉnh giảm doanh số bán và thuế GTGT đầu ra, Công ty B điều chỉnh giảm doanh số mua và thuế GTGT đầu vào tại kỳ tính thuế tháng 07/2015 (nếu còn trong thời hạn khai thuế) hoặc tháng 08/2015.

    - Trường hợp hai bên thống nhất điều chỉnh giảm giá bán: Công ty A xuất hóa đơn điều chỉnh giảm giá trị hàng hóa và thuế GTGT theo quy định. Căn cứ hóa đơn điều chỉnh, Công ty A điều chỉnh giảm doanh số bán và thuế GTGT đầu ra, Công ty B điều chỉnh giảm doanh số mua và thuế GTGT đầu vào tại kỳ tính thuế tháng 07/2015 (nếu còn trong thời hạn khai thuế) hoặc tháng 08/2015."

    Theo Công văn 5839/CT-TTHT ngày 20/2/2017 của Cục thuế TP Hà Nội:

    "+ Trường hợp Chi nhánh bán hàng hóa đã lập hóa đơn giao khách hàng, sau đó khách hàng trả lại hàng và lập hóa đơn trả lại thi căn cứ vào hóa đơn trả lại hàng; bên bán và bên mua thực hiện điều chỉnh trên tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT tại kỳ thuế phát sinh hóa đơn trả lại hàng như sau:

    Đơn vị bán kê giảm vào các chỉ tiêu tương ứng tại mục II-Hàng hóa dịch vụ bán ra trong kỳ trên tờ khai 01/GTGT (cụ thể trong trường hợp này hàng hóa trả lại chịu thuế suất thuế GTGT là 10% thì: điều chỉnh giảm doanh số tại chỉ tiêu (32); thuế GTGT ghi nhận giảm đưa vào chỉ tiêu (33).

    Đơn vị mua điều chỉnh doanh số mua tại chỉ tiêu (23), thuế GTGT đầu vào điều chỉnh giảm tại chỉ tiêu (24) và (25)."

    Như vậy: Các bạn sẽ kê khai điều chỉnh giảm trực tiếp trên các Chỉ tiêu của Tờ khai 01/GTGT kỳ phát sinh hóa đơn hàng bán trả lại:

    - Bên bán “bên bị trả” Kê khai ÂM (Hoặc trừ đi giá trị hóa đơn trả lại) vào các Chỉ tiêu Hàng hóa, dịch vụ bán ra theo mức thuế suất tương ứng của DN (Chỉ tiêu 29 - 33).

    - Bên mua “bên trả lại hàng” Kê khai ÂM (Hoặc trừ đi giá trị của hóa đơn trả lại) vào các Chỉ tiêu mua vào (Chỉ tiêu 23 - 25)

    Ví Dụ 1: Hóa đơn trả lại hàng và hóa đơn xuất hàng khác kỳ:

    - Ngày 2/3/2018 Công ty Thanh Long bán 10 máy tính DELL cho Công ty kiểm toán Es-Glocal và xuất hóa đơn số 0000789, ký hiệu TL/18P, đơn giá 15.000.000 vnđ/ chiếc, thuế GTGT 10%: 1.500.000. Và 2 bên đã kê khai vào tháng 3/2018.

    - Nhưng đến ngày 10/5/2018 Công ty kiểm toán Es-Glocal xuất hóa đơn trả lại hàng cho Công ty Thanh Long vì hàng lỗi không đạt chất lượng. Hóa đơn hàng bán trả lại là hóa đơn số 0000058, ký hiệu ES/18P, đơn giá 15.000.000 vnđ/ chiếc , thuế GTGT 10%: 1.500.000.

    a, Cách viết hóa đơn hàng bán trả lại trong ví dụ trên như sau:

    Mẫu số: 01GTKT3/001
    HÓA ĐƠN GIÁ TRỊ GIA TĂNG
    Ký hiệu: ES/18P
    Liên 1: Lưu Số: 0000058
    Ngày..10...tháng..05..năm 2018
    Đơn vị bán hàng: Công ty TNHH Kiểm toán Es-Glocal
    Mã số thuế: 0104963862
    Địa chỉ: Số 67B, ngõ 299/56, Đ. Hoàng Mai, Q. Hoàng Mai, TP Hà Nội
    Điện thoại: Tài khoản: ................
    Họ tên người mua hàng: Trịnh Xuân Mạnh
    Tên đơn vị: Công ty TNHH Thanh Long
    Mã số thuế: 0104951642
    Địa chỉ: .................
    Hình thức thanh toán:...CK...........Số tài khoản..................
    STT Tên hàng hóa, dịch vụ Đơn vị tính Số lượng Đơn giá Thành tiền
    1 2 3 4 5 6=4x5
    01 Máy tính DELL Chiếc 10 15.000.000 150.000.000
    (Xuất hàng trả lại do không đúng chất lượng)
    Cộng tiền hàng: 150.000.000
    Thuế suất GTGT: ...10 % , Tiền thuế GTGT: 15.000.000
    Tổng cộng tiền thanh toán 165.000.000
    Số tiền viết bằng chữ:..Một trăm sáu mươi lăm triệu đồng.

    b, Cách kê khai hóa đơn hàng bán trả lại trong ví dụ trên như sau:

    + Nếu trong kỳ chỉ phát sinh 1 hóa đơn trả lại hàng:

    - Theo Công văn 4943 bên trên: Sẽ Kê khai vào kỳ hiện tại (Tức là tháng 5/2018, theo như ngày trên hóa đơn) -> Và phải kê khai điều chỉnh giảm doanh số và thuế GTGT: Nên chúng ta sẽ phải kê khai ÂM.

    Bên bán (Bên bị trả): (vì là thuế 10%)

    - Kê khai ÂM vào Chỉ tiêu 32: -15.000.000

    - Kê khai ÂM vào Chỉ tiêu 33: - 1.500.000

    Bên mua (Bên trả lại):

    - Kê khai ÂM vào Chỉ tiêu 23: -15.000.000

    - Kê khai ÂM vào Chỉ tiêu 24: - 1.500.000

    - Kê khai ÂM vào Chỉ tiêu 25: - 1.500.000

    + Nếu trong kỳ phát sinh nhiều hóa đơn khác:

    - Thì các bạn phải trừ số tiền doanh số và thuế GTGT của hóa đơn trả hàng đó ra.

    Ví dụ cụ thể như sau:

    Bên bán (Bên bị trả):

    - VD: Sau khi các bạn kê khai các hóa đơn khác thì số liệu trên Chỉ tiêu 32 là: 40.000.000 => Thì các bạn lấy số tiền đó (-) trừ đi 15.000.000 = 25.000.000

    - Lấy số liệu ở chỉ tiêu 33 là: 4.000.000 - 1.500.000 = 2.500.000 (Nếu bạn đã hạch toán thì có thể dựa vào Sổ TK 3331 để kê khai vào đây)

    Bên mua (Bên trả lại):

    - Cũng như bên bán, các bạn lấy số liệu đã kê khai trên các chỉ tiêu để (-) trừ đi số tiền giá trị hàng hóa, dịch vụ và thuế GTGT tương ứng với hóa đơn nhé.

    VD: Sau khi kê khai các hóa đơn khác, các chỉ tiêu xuất hiệu như sau: 23: 50.000.000, 24: 5.000.000, 25: 5.000.000, thì các bạn trừ đi như sau:

    - Chỉ tiêu 23: 50.000.000 - 15.000.000 = 35.000.000

    - Chỉ tiêu 24: 5.000.000 - 1.500.000 = 3.500.000

    - Chỉ tiêu 25: 5.000.000 - 1.500.000 = 3.500.000 (Nếu các bạn đã hạch toán thì có thể dựa vào Sổ TK 133)

    Ví Dụ 2: Hóa đơn trả lại hàng và hóa đơn xuất hàng cùng 1 kỳ.

    - Ngày 7/11/2016 Công ty A xuất hóa đơn 001, thuế GTGT 10% cho Công ty B.

    - Nhưng do hàng không đúng quy cách nên bên B trả lại hàng và xuất hóa đơn trả lại hàng 002 vào ngày 15/11/2016.

    Cách kê khai:

    Bên bán (Bên bị trả):

    - Kê khai hóa đơn 001 vào chỉ tiêu 32 và 33 như bán hàng bình thường.

    - Kê khai ÂM (hoặc trừ đi giá trị và tiền thuế) hóa đơn 002 (hóa đơn hàng trả lại) vào các chỉ tiêu 32, 33 (như hướng dẫn ở trên VD 1)

    => Hoặc KHÔNG cần kê khai 2 hóa đơn này (Vì 2 hóa đơn này tự cấn trừ cho nhau)

    Bên mua (Bên trả lại):

    - Kê khai hóa đơn 001 vào chỉ tiêu 23, 24, 25 như hóa đơn đầu vào bình thường (Nếu đáp ứng điều kiện khấu trừ thuế GTGT)

    - Kê khai ÂM (hoặc trừ đi giá trị và tiền Thuế) hóa đơn 002 (hóa đơn hàng trả lại) vào các chỉ tiêu 23, 24, 25 (như hướng dẫn ở trên VD 1)

    => Hoặc KHÔNG cần kê khai 2 hóa đơn này (Vì 2 hóa đơn này tự cấn trừ cho nhau).

    Theo Công văn 4723/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 13/10/2017

    "Căn cứ quy định nêu trên:

    - Đối với các hóa đơn đã xuất và bị thu hồi trong cùng một tháng: Công ty cổ phần Thế giới Di động không kê khai vào các chỉ tiêu tương ứng tại Mục II-Hàng hóa, dịch vụ bán ra trong kỳ trên Tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT.

    Đối với các hóa đơn đã xuất và bị thu hồi khác tháng: Công ty cổ phần Thế giới Di động thực hiện kê khai điều chỉnh doanh số bán ra và thuế GTGT đầu ra vào các chỉ tiêu tương ứng tại Mục II- hàng hóa, dịch vụ bán ra trong kỳ trên Tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT tại kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn đổi, trả lại hàng."

    #3. Một số câu hỏi liên quan đến kê khai thuế hàng bán bị trả lại

    Hỏi: Hàng bán bị trả lại là gì?

    Trả lời: Hàng bán bị trả lại là giá trị khối lượng hàng bán đã xác định là tiêu thụ bị khách hàng trả lại và từ chối thanh toán. Do các nguyên nhân như: Vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách.

    Hỏi: Cách kê khai thuế hàng bán bị trả lại?

    Trả lời: ES-GLOCAL đã chia sẻ cách kê khai thuế hàng bán bị trả lại bạn xem tại đây nhé.

    Như vậy, trên đây Hãng Kiểm toán ES-GLOCAL vừa chia sẻ xong nội dung bài viết. Nếu có câu hỏi hay vướng mắc gì các bạn vui lòng đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://es-glocal.com/hoi-dap/ hoặc để lại bình luận hoặc bên dưới bài viết toàn bộ các vấn đề về kê khai thuế hàng bán bị trả lại. Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!

    logo zalo

    Hỏi đáp Hướng dẫn kê khai thuế hàng bán bị trả lại đối với bên mua và bên bán

    menu
    024 66 66 33 69
    Top