1312, Tháp B, Tòa nhà The Light, Tố Hữu, Hà Nội

T2 - T7: 8:00 - 17:30

024 66 66 33 69

[email protected]

  • Ngôn ngữ tiếng anh

Từ A-Z các lưu ý về doanh thu tính thuế TNDN KHÔNG THỂ BỎ QUA

14:42 21/10/2019 Tin Tức Nguyễn Thị Hạnh 0 bình luận

Doanh thu tính thuế TNDN là gì? Thời điểm ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN theo 4 trường hợp phổ biến. ES-GLOCAL xin chia sẻ với các bạn thông qua bài viết dưới đây.

Bài viết gồm những nội dung chính sau:

I. Doanh thu tính thuế TNDN là gì?

Doanh thu tính thuế là doanh thu để tính thuế TNDN nghĩa là Xác định Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế, là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Sau khi các bạn xác định được các khoản thu nhập chịu thuế sẽ là căn cứ sau này các bạn tính số thuế thu nhập mà doanh nghiệp phải nộp.

02-doanh-thu-chiu-thue-la-gi.jpg
Doanh thu tính thuế là gì

II. Thời điểm ghi nhận doanh thu tính thuế TNDN với từng trường hợp cụ thể

#1. Bán hàng hóa, thành phẩm

Theo Thông tư 78/2014 quy định các xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế như sau:

“Đối với hoạt động bán hàng hóa thì thời điểm ghi nhận doanh thu là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.”

Thực tế theo Điều 79 thông tư 200 quy định như sau:

Trường hợp DN bán hàng hóa, thành phẩm, các bạn hãy đối chiếu trường hợp đó với điều kiện ghi nhận doanh thu theo Điều 79 Thông tư 200. Theo đó Doanh thu bán hàng được ghi nhận khi đồng thời thỏa mã tất cả 5 điều kiện như sau:

  • Doanh nghiệp chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm, hàng hóa cho người mua;
  • Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hoặc quyền kiểm soát hàng hóa
  • Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn. Khi hợp đồng quy định người mua được quyền trả lại sản phẩm, hàng hóa, đã mua theo những điều kiện cụ thể, doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doanh thu khi những điều kiện cụ thể đó không còn tồn tại và người mua không được quyền trả lại sản phẩm, hàng hóa (trừ trường hợp khách hàng có quyền trả lại hàng hóa dưới hình thức đổi lại để lấy hàng hóa, dịch vụ khác);
  • Doanh nghiệp đã hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;
  • Xác định được các chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.

Mình sẽ lấy một ví dụ để các bạn dễ hiểu, các trường hợp bán hàng, thành phẩm khác các bạn chỉ cần tham chiếu đến các điều kiện để xác định thời điểm ghi nhận doanh thu sao cho phù hợp.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A bán một chiếc xe máy hãng Honda SH với giá 100 triệu cho Anh B (Thuế và các điều kiện về dịch vụ bảo hành, khuyến mãi, chiết khấu, trả châm, trả góp… mình xin phép không bàn tới trong trường hợp này). Theo đó, tại thời điểm Anh B tiến hành thanh toán cho Doanh nghiệp A, đồng thời Doanh nghiệp A tiến hành giao chiếc xe SH đó cho Anh B thì đó chính là thời điểm Doanh nghiệp A ghi nhận một khoản doanh thu của chiếc xe SH đó vì:

Đối chiếu với 5 điều kiện ghi nhận doanh thu ở trên:

+ Doanh nghiệp A đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm, hàng hóa cho người mua vì kể từ khi DN A giao chiếc xe cho anh B, nghĩa vụ của DN A đã được thực hiện. Rõ ràng, Anh B đã thu được lợi ích từ việc mua chiếc xe đó là phương tiện đi lại… và Anh B sẽ chịu toàn bộ rủi ro như hỏng hóc, chi phí bảo trì, bảo dưỡng… đối với chiếc xe máy đó.

+ Doanh nghiệp A không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hoặc quyền kiểm soát hàng hóa vì quyền sở hữu hay quyền kiểm soát lúc này đã chuyển sang cho anh B rồi.

+ Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn vì Doanh nghiệp A đã nhận được tiền từ giao dịch trên. Trường hợp người mua được quyền trả lại sản phẩm, hàng hóa, đã mua…mình sẽ giải thích ở phần sau.

+ Doanh thu đã hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng. Dựa vào trường hợp trên, DN A đã thu được tiền từ giao dịch bán hàng đó và khoản tiền đó sẽ làm tăng chỉ tiêu doanh thu trong P&L.

+ Xác định được các chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng. Ở đây, chi phí DN A bỏ ra có thể là chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, chi phí lắp ráp, nhân công…

⇒ Do vậy, đối với với các điều kiện ghi nhận doanh thu thì giao dịch bán hàng trên đáp ứng tất cả 5 điều kiện theo Điều 79 TT 200 và thời điểm ghi nhận doanh thu là lúc doanh nghiệp giao hàng.

Tại điều kiện thứ ba ghi nhận doanh thu quy định như sau:

Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn. Khi hợp đồng quy định người mua được quyền trả lại sản phẩm, hàng hóa, đã mua theo những điều kiện cụ thể, doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doanh thu khi những điều kiện cụ thể đó không còn tồn tại và người mua không được quyền trả lại sản phẩm, hàng hóa (trừ trường hợp khách hàng có quyền trả lại hàng hóa dưới hình thức đổi lại để lấy hàng hóa, dịch vụ khác);

Ví dụ 2: Mình ký hợp đồng mua hàng hóa của Công ty C, trong điều khoản hợp đồng quy định: mình có quyền trả lại hàng hóa trong vòng 30 ngày. Thì thời điểm ghi nhận doanh thu của Công ty C lúc này là lúc thời hạn trả lại đã hết thời hạn, nghĩa là sau 30 ngày thì Công ty C mới được ghi nhận doanh thu.

#2. Cung cấp dịch vụ

Theo Thông tư 78/2014 quy định các xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế như sau:

“Đối với hoạt động cung ứng dịch vụ thì thời điểm ghi nhận doanh thu là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ.

Trường hợp thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ xảy ra trước thời điểm dịch vụ hoàn thành thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế được tính theo thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ.”

Theo Điều 79 TT200 quy định như sau:

Doanh thu của giao dịch về cung cấp dịch vụ được ghi nhận khi kết quả của giao dịch đó được xác định một cách đáng tin cậy.

Kết quả của giao dịch cung cấp dịch vụ được xác định khi thỏa mãn tất cả bốn (4) điều kiện sau:

  • Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn. Khi hợp đồng quy định người mua được quyền trả lại dịch vụ đã mua theo những điều kiện cụ thể, doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doan thu khi những điều kiện cụ thể đó không còn tồn tại và người mua không được quyền trả lại dịch vụ đã cung cấp;
  • Doanh nghiệp đã hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch cung cấp dịch vụ đó;
  • Xác định được phần công việc đã hoàn thành vào thời điểm báo cáo;
  • Xác định được chi phí phát sinh cho giao dịch và chi phí để hoàn thành giao dịch cung cấp dịch vụ đó.

Đối với trường hợp cung cấp dịch vụ thì hơi phức tạp hơn một chút, nhưng các bạn cứ đối chiếu với các điều kiện ghi nhận thì sẽ xác định được doanh thu và thời điểm ghi nhận doanh thu.

Mình xin lấy một ví dụ:

Ví dụ 3: Vẫn là ví dụ trên là DN A bán chiếc xe SH cho khách hàng điều kiện bảo hành là 3 năm hoặc hơn 30.000 km, ngoài ra khách hàng có thể được bảo hành 5 năm nếu mua thêm một gói bảo hành trị giá 10 triệu nữa. Thì doanh thu sẽ được ghi nhận như thế nào?

Các bạn cần xác định 2 cấu phần rõ ràng là: Xe SH và dịch vụ bảo hành. Doanh thu từ chiếc xe là 100tr, dịch vụ bảo hành là 10 tr.

Phần doanh thu của SH thì mình đã nói ở ví dụ trên, còn về dịch vụ bảo hành căn cứ theo điều kiện thứ 3 ở trên thì: Thời điểm ghi nhận doanh thu của hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hành trong trường hợp này là thời điểm mà DN đã hoàn thành nghĩa vụ với dịch vụ bảo hành đó. Tức là: vì nghĩa vụ bảo hành là nghĩa vụ trong tương lai của DN A và khi thực hiện nghĩa vụ trong năm 3, năm 4 và năm 5 thì sẽ ghi nhận doanh thu.

Một ví dụ khác như sau:

Ví dụ 4: Giả sử mình lắp một gói cước viễn thông truyền cáp quang, 200k một tháng, trả trước 1 tháng thì được tặng model. Giả sử mình lắp trong vòng 24 tháng và mình trả trước trong vòng 1 tháng. Thì lúc này Doanh thu của model và doanh thu của cáp quang được ghi nhận khi nào?

“Doanh thu thực hiện tương ứng với nghĩa vụ mà bạn đã thực hiện và nghĩa vụ trong tương lai được hoãn lại cho tới khi nó được thực hiện”

Nghĩa là: Nghĩa vụ bàn giao model thì được ghi nhận ngay lúc giao hàng, còn nghĩa vụ cung cấp dịch vụ chưa được thực hiện và khi thực hiện nghĩa vụ hàng tháng sẽ ghi nhận doanh thu.

Ví dụ 5: Chính sách bán hàng cho đổi 5 vỏ hộp sữa lấy quà tặng là 1 cái balo. Doanh nghiệp xác định được 2 cấu phần là: Giao Hộp sữa và tích 5 hộp thì giao cái balo

Doanh thu ghi nhận là: 5 vỏ hộp đổi 1 cái balo có giá trị là 150k, suy ra 1 vỏ hộp có trị giá là 30k; khi bán một hộp sữa thì thu được tiền từ hộp sữa là 450k trong đó có 30k là nghĩa vụ thực hiện trong tương lai khi khách hàng tích đủ số hộp sữa.

⇒ Do vậy, doanh thu của nghĩa vụ thực hiện sẽ được hoãn lại: Doanh thu sẽ bằng số tiền đã nhận được trừ số tiền mà nghĩa vụ chưa thực hiện.

#3. Hoạt động vận tải hàng không

Đối với hoạt động vận tải hàng không thì thời điểm ghi nhận doanh thu là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ vận chuyển cho người mua.

Căn cứ theo Công văn 9735/CT-TTHT chính sách thuế hoạt động vận tải quốc tế Hồ Chí Minh

Mình xin trích một số đoạn liên quan như sau:

“Tại khoản 1 Điều 13 quy định doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN):

b.7) Đối với dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài, (không phân biệt người gửi hay người nhận trả tiền dịch vụ), doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được không bao gồm cước vận chuyển quốc tế phải trả cho hãng vận chuyển (hàng không, đường biển).

Đối với cước vận tải quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài: Công ty khấu trừ thuế TNDN theo tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với dịch vụ là 2%, doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ tiền cước thu được từ hoạt động vận chuyển hàng hóa và các khoản phụ thu khác mà hãng vận tải nước ngoài được hưởng từ cảng xếp hàng của Việt Nam ra nước ngoài (Cước vận tải quốc tế nước ngoài về Việt Nam không phải chịu thuế nhà thầu).”

#4. Hoạt động khác

Đối với doanh thu hợp đồng xây dựng:

Đối với các hợp đồng xây dựng thì doanh thu sẽ được xác định theo 2 trường hợp chính:

  • Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch, nghĩa là xác định theo khối lượng hoàn thành công việc thì thời điểm ghi nhận doanh thu là thời điểm mà kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được ước tính một cách đáng tin cậy.
  • Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện

⊕ Các bạn cần hiểu rõ doanh thu hợp đồng xây dựng được thanh toán theo tiến độ hoàn thành là gì và điều kiện ghi nhận là:

  • Kết quả thực hiện do nhà thầu tự xác định
  • Chi phí được ghi nhận theo thực tế phát sinh (ghi nhận toàn bộ vào giá vốn và không có tài khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang)
  • Doanh thu được ghi nhận % chi phí hoàn thành và không phụ thuộc vào hóa đơn thanh toán theo tiến độ kế hoạch đã lập
  • Xuất hiện các tài khoản như Phải thu theo tiến độ kế hoạch và phải trả theo tiến độ kế hoạch

⊕ Doanh thu hợp đồng xây dựng được thanh toán theo giá trị khối lượng thực tế là gì và điều kiện ghi nhận:

  • Kết quả thực hiện do chủ đầu tư xác nhận (Biên bản nghiệm thu/Quyết toán khối lượng hoàn thành)
  • Chi phí được ghi nhận tương ứng với phần doanh thu đã ghi nhận (được kết chuyển từ tài khoản chi phí sản xuất kinh doanh dở dang)
  • Doanh thu được ghi nhận theo biên bản nghiệm thu/Quyết toán khối lượng hoàn thành và được phản ánh trên hóa đơn đã lập.
  • Không có các tài khoản như trường hợp thanh toán theo tiến độ hoàn thành do không có chênh lệch giữa doanh thu ghi nhận và doanh thu theo hóa đơn.

Ví dụ 6: Mình có một hợp đồng xây dựng trong 3 năm là xây 20 tòa nhà. Cuối năm mình đã hoàn thành 5 tòa nhà thì doanh thu hoàn thành là 5 tòa nhà. Theo đó, doanh thu được xác định dựa trên khối lượng công việc hoàn thành nên doanh thu sẽ được ghi nhận theo từng năm chứ không ghi nhận vào thời điểm cả hợp đồng được hoàn thành là sau 3 năm.

III. Cách xác định doanh thu tính thuế TNDN

Cách xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định theo 3 phương pháp dưới đây:

#1. Theo phương pháp trực tiếp

Đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng là doanh thu bao gồm cả thuế GTGT.

#2. Theo phương pháp khấu trừ

Đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế là doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT.

#3. Kinh doanh dịch vụ mà khách hàng trả trước cho nhiều năm

Đối với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh dịch vụ mà khách hàng trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần.

>>> Các bạn xem chi tiết các phương pháp trên qua bài viết Doanh thu tính thuế TNDN dưới đây

Trên đây là một số chia sẻ của mình về bài viết chủ đề Doanh thu tính thuế, tuy nhiên đây là những nội dung cơ bản và để các bạn hiểu sâu hơn nữa, các bạn vui lòng đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://es-glocal.com/hoi-dap/ Hoặc các bạn tham khảo thêm Chuẩn mực kế toán số 14: Doanh thu và thu nhập khác, Điều 5 Thông tư 78/2014 về Doanh thu, Điều 79 TT 200: Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm Chuẩn mực kế toán số 15: Hợp đồng xây dựng. Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi!

logo zalo

Hỏi đáp Từ A-Z các lưu ý về doanh thu tính thuế TNDN KHÔNG THỂ BỎ QUA

menu
024 66 66 33 69
Top