1312, Tháp B, Tòa nhà The Light, Tố Hữu, Hà Nội

T2 - T7: 8:00 - 17:30

024 66 66 33 69

[email protected]

  • Ngôn ngữ tiếng anh

Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp AI cũng có thể làm được

13:13 18/10/2019 Tin Tức Nguyễn Thị Hạnh 0 bình luận

Cách tính thuế thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào? Cách tính thuế Thu nhập doanh nghiệp tạm tính, chậm nộp. Hạch toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành...

Bài viết gồm những nội dung chính sau đây:

I. Thuế thu nhập doanh nghiệp là gì?

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hay tiếng anh gọi là Corporate Income Tax, ở một số tài liệu thuật ngữ này còn được hiểu là Company Income Tax và được viết tắt là “CIT” là loại thuế trực thu đánh trên phần thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của đối tượng nộp thuế.

02-cach-tinh-thue-thu-nhap-doanh-nghiep.jpg
Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp

II. Các phương pháp tính thuế thu nhập doanh nghiệp

#1. Số thuế TNDN phải nộp trong kỳ tính thuế bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất

Công thức như sau:

Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế - Phần trích lập KH & CN (nếu có)) x Thuế suất thuế TNDN

Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở ngoài Việt Nam thì khi đó DN được trừ số thuế TNDN đã nộp ở Việt Nam nhưng tối đa không quá số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ theo quy định của Thuế thu nhập doanh nghiệp.

#2. Xác định kỳ tính thuế

a) Kỳ tính thuế được xác định theo năm dương lịch.

Trường hợp doanh nghiệp áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế xác định theo năm tài chính áp dụng.

Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập thì áp dụng kỳ tính thuế đầu tiên.

Trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, hình thức ở hữu, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản thì áp dụng kỳ tính thuế cuối cùng.

Ví dụ 1: Giả sử Doanh nghiệp mới thành lập ngày 01/05/2019 thì năm tài chính được chọn là từ ngày 01/01/2019 đến 31/12/2019 lúc này kỳ tính thuế đầu tiên sẽ là 01/05/2019 đến 30/04/2020.

Trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, hình thức sở hữu, sáp nhập… giải thể vào ngày 30/06/2020 và có năm tài chính là năm dương lịch bắt đầu từ 01/01 đến 31/12 thì kỳ tính thế cuối cùng được tính sẽ là từ 01/07/2019 đến 30/06/2020.

Ví dụ 2: Vẫn trong trường hợp trên đối với thời gian doanh nghiệp bắt đầu thành lập kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Doanh nghiệp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, hình thức ở hữu, sáp nhập, chia tách, giải thể, phá sản mà ngắn hơn 3 tháng thì sẽ được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo hoặc kỳ tính thuế năm trước đó.

Lưu ý: Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm đầu tiên hoặc kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiêp năm cuối năm không vượt quá 15 tháng.

Nghĩa là: Đối với doanh nghiệp thành lập dao động khoảng từ tháng 01/10/X đến 31/12/X thì năm tính thuế đầu tiên của DN này sẽ được cộng vào kỳ tính thuế TNDN năm X+1 cụ thể:

Thành lập vào ngày 01/10/2019 thì năm tính thuế từ 01/10/2019 đến 31/12/2020.

Nếu doanh nghiệp có năm tài chính bắt đầu từ 01/01 đến 31/12/N và DN có chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, hình thức sở hữu vào thời điểm từ tháng 01/01 đến 31/03/N+1 thì năm kỳ tính thuế cuối cùng sẽ được tính từ tháng 01/01/N đến thời điểm chuyển đổi, sáp nhập giải thể, phá sản của năm N+1 (trong khoảng từ 01/01 đến 31/03/N+1), cụ thể:

Ví dụ 3: Doanh nghiệp có năm tài chính bắt đầu từ ngày 01/01/2019 đến 31/12/2019 và có hoạt động chuyển đổi loại hình kinh doanh hoặc hình thức ở hữu hoặc sáp nhập hoặc chia, tách… vào ngày 25/02/2020 thì năm tính thuế lúc này sẽ là từ 01/01/2019 đến 25/02/2019.

b) Trường hợp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm cả chuyển đổi kỳ tính thuế từ năm dương lịch sang năm tài chính hoặc ngược lại) thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp của năm chuyển đổi không vượt quá 12 tháng.

Ví dụ 4: Doanh nghiệp có kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 áp dụng theo năm dương lịch, đầu năm 2020 DN lựa chọn chuyển đổi sang năm tài chính từ ngày 01/04/2020 sang ngày 31/03/2021, thì kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm chuyển đổi (2020) được tính từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 31/03/2020 (3 tháng), kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm tiếp theo (năm tài chính 2020) được tính từ ngày 01/04/2020 đến hết ngày 31/03/2021.

c) Trường hợp Doanh nghiệp đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà có thực hiện chuyển đổi kỳ tính thuế thì doanh nghiệp được lựa chọn: Ưu đãi trong năm chuyển đổi kỳ tính thuế hoặc nộp thuế theo mức thuế suất không được hưởng ưu đãi của năm chuyển đổi kỳ tính thuế và hưởng ưu đãi sang năm tiếp theo.

Ví dụ 5: Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (miễn thuế 2 năm, giảm 50% thuế TNDN trong 4 năm tiếp theo), giả sử năm 2019 DN bắt đầu được miễn thuế thì DN sẽ hưởng ưu đãi thuế như sau (miễn thuế năm 2020, 2021 và giảm 50% các năm 2022,2023,2024,2025).

Trừng hợp doanh nghiệp lựa chọn giảm 50% thuế theo kỳ tính thuế năm chuyển đổi 2020 thì doanh nghiệp tiếp tực thực hiện giảm 50% thuế TNDN 3 năm tính thuế tiếp theo tính từ năm tài chính 2020 ( năm tài chính 2020 từ 01/04/2020 đến 31/03/2021) đến hết năm tài chính 2022.

Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn không hưởng ưu đãi giảm 50% thuế TNDN đối với kỳ tính thuế TNDN năm chuyển đổi 2020 (kỳ tính thuế năm chuyển đổi 2020 kê khai nộp thuê theo mức thuế suất không được hưởng ưu đãi) thì doanh nghiệp được giảm 50% thuế TNDN từ năm tài chính 2020 (từ 01/04/2020 đến 31/03/2021) đến hết năm tài chính 2023 (từ 01/04/2023 đến 31/03/2024).

d) Đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp có hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, cụ thể như sau:

+ Đối với dịch vụ (bao gồm cả lãi tiền gửi, lãi tiền cho vay): 5%

+ Riêng hoạt động giáo dục, y tế, biểu diễn nghệ thuật: 2%

+ Đối với kinh doanh hàng hóa: 1%

+ Đối với hoạt động khác: 2%

Ví dụ 6: Đơn vị sự nghiệp A có phát sinh hoạt động cho thuê nhà, doanh thu cho thuê nhà một năm là 100 triệu đồng, đơn vị không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động cho thuê nhà nêu trên. Do vậy đơn vị lựa chọn kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ như sau:

Số thuế TNDN phải nộp = 100.000.000 đồng x 5% = 5.000.000 đồng.

e) Doanh nghiệp có doanh thu, chi phí và thu nhập khác bằng ngoại tệ thì phải đổi ngoại tệ a đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu, chi phí, thu nhập khác bằng ngoại tệ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoát với đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam.

III. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019

Căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp

  • Căn cứ tính thuế là thu nhập tính thuế trong kỳ và thuế suất.
  • Kỳ tính thuế thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và quy định của pháp luật quản lý thuế
  • Doanh nghiệp được lựa chọn kỳ tính thuế theo năm dương lịch hoặc năm tài chính nhưng phải thông báo với cơ quan thuế trước khi thực hiện.

Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được xác định theo công thức sau

Thuế TNDN phải nộp = {Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KD & CN (nếu có)} x Thuế suất thuế TNDN

Như vậy: Nếu DN không trích lập quỹ KH & CN thì thuế TNDN phải nộp như sau

Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất thuế TNDN

Bước 1: Xác định thu nhập tính thuế

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - {Thu nhập được miễn thuế(1) + Các khoản lỗ được kết chuyển(2) }

(1) Thu nhập được miễn thuế

Thu nhập được miễn thuế thực hiện theo quy định tại Điều 4 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

>>> Xem thêm Các khoản thu nhập miễn thuế tại đây

(2) Các khoản lỗ được kết chuyển

Lỗ phát sinh trong kỳ tính thuế là số chênh lệch âm về thu nhập tính thuế chưa bao gồm các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước chuyển sang.

Doanh nghiệp sau khi quyết toán thuế mà bị lỗ thì chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào thu nhập ( thu nhập chịu thuế đã trừ thu nhập miễn thuế) của những năm tiếp theo. Thời gian chuyển lỗ tính liên tục không quá 5 năm, kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ.

Doanh nghiệp tạm thời chuyển lỗ vào thu nhập của các quý của năm sau, khi lập tờ khai tạm nộp quý và chuyển chính thức vào năm sau khi lập tờ khai quyết toán thuế năm.

Ví dụ 7: Năm 2018 Hãng Kiểm toán Es-Glocal có phát sinh lỗ là 20 tỷ đồng. Năm 2019 có phát sinh thu nhập là 25 tỷ đồng

=> Thì toàn bộ số lỗ phát sinh năm 2018 phải được chuyển toàn bộ vào thu nhập năm 2019 là 20 tỷ đồng

- Cùng trường hợp trên nếu năm 2019 phát sinh thu nhập là 15 tỷ

=> Thì toàn bộ số lỗ năm 2018 là 15 tỷ trong 20 tỷ, số còn lại là 5 tỷ sẽ được theo dõi và chuyển cho các năm tiếp theo ( nhưng tối đa không quá 5 năm) kể từ năm 2019.

Doanh nghiệp có số lỗ giữa các quý trong cùng một năm tài chính thì được bù trừ số lỗ của quý trước vào các quý tiếp theo của năm tài chính đó.

Khi quyết toán thuế TNDN, doanh nghiệp xác định số lỗ của cả năm và chuyển toàn bộ và liên tục số lỗ vào THU NHẬP CHỊU THUẾ của những năm tiếp sau năm phát sinh lỗ theo quy định nêu trên.

Quá thời hạn 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh lỗ, nếu số lỗ phát sinh chưa chuyển hết thì sẽ không được chuyển vào thu nhập của các năm tiếp sau.

Bước 2: Xác định thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác, được xác định như sau:

Thu nhập chịu thuế = Doanh thu Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác

Thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bằng doanh thu của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trừ chi phí được trừ của hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.

Lưu ý: Doanh nghiệp có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh áp dụng nhiều mức thuế suất khác nhau thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập của từng hoạt động nhân với thuế suất tương ứng.

>>> Xem thêm Các khoản thu nhập chịu thuế TNDN tại đây!

Bước 3: Xác định doanh thu

+) Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được hay chưa thu được tiền.

  • Đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế là doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT.

Ví dụ 8: Doanh nghiệp là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế. Hóa đơn giá trị gia tăng gồm các chỉ tiêu như sau:

Giá bán: 100.000 đồng

Thuế GTGT (10%): 10.000 đồng

Giá thanh toán: 110.000 đồng

=> Lúc này, doanh thu tính thu nhập chịu thuế là 100.000 đồng

  • Đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng là doanh thu bao gồm cả thuế GTGT.

Ví dụ 9: Doanh nghiệp là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng. Hóa đơn bán hàng chỉ ghi giá bán là 110.00 đồng (giá đã có thuế GTGT).

=> Lúc này doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là 110.000 đồng

  • Đối với doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh dịch vụ mà khách hàng trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc được xác định theo doanh thu trả tiền một lần. Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế việc xác định số thuế được ưu đãi phải căn cứ vào tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của số năm thu tiền trước chia cho số năm thu tiền trước.

+) Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau

Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hàng hóa bán ra là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.

Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ.

Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

a) Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp được xác định theo giá bán hàng hóa trả tiền một lần, không bao gồm tiền lãi trả góp, trả chậm;

b) Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ (không bao gồm hàng hóa, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp) được xác định theo giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm trao đổi, tiêu dùng nội bộ;

c) Đối với hoạt động gia công hàng hóa là tiền thu về hoạt động gia công bao gồm cả tiền công, chi phí về nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hóa;

d) Đối với hoạt động cho thuê tài sản, hoạt động kinh doanh sân gôn, kinh doanh dịch vụ khác mà khách hàng trả tiền trước cho nhiều năm là số tiền bên thuê tài sản, mua dịch vụ trả từng kỳ theo hợp đồng. Trường hợp bên thuê tài sản, bên mua dịch vụ trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc xác định theo doanh thu trả tiền một lần. Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế, việc xác định số thuế được ưu đãi phải căn cứ vào tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của số năm thu tiền trước chia (:) cho số năm thu tiền trước;

đ) Đối với hoạt động tín dụng, hoạt động cho thuê tài chính là tiền lãi cho vay, doanh thu về cho thuê tài chính phải thu phát sinh trong kỳ tính thuế;

e) Đối với hoạt động vận tải là toàn bộ doanh thu cước vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý phát sinh trong kỳ tính thuế;

g) Đối với điện, nước sạch là số tiền ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng;

h) Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm là số tiền phải thu về phí bảo hiểm gốc; phí dịch vụ đại lý (bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100%); phí nhận tái bảo hiểm; thu hoa hồng tái bảo hiểm và các khoản thu khác về kinh doanh bảo hiểm trừ (-) các khoản hoàn hoặc giảm phí bảo hiểm, phí nhận tái bảo hiểm, các khoản hoàn hoặc giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm.

Trường hợp đồng bảo hiểm, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là tiền thu phí bảo hiểm gốc được phân bổ theo tỷ lệ đồng bảo hiểm chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Đối với hợp đồng bảo hiểm thỏa thuận trả tiền theo từng kỳ thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là số tiền phải thu phát sinh trong từng kỳ;

i) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, hạng mục công trình hoặc khối lượng công trình xây dựng, lắp đặt được nghiệm thu.

Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị thì doanh thu tính thuế không bao gồm giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị;

k) Đối với hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh mà không thành lập pháp nhân:

- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì doanh thu tính thuế là doanh thu của từng bên được chia theo hợp đồng;

- Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận sau thuế thì doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ của hợp đồng;

l) Đối với kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược là số tiền thu từ hoạt động này bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt trừ (-) số tiền đã trả thưởng cho khách;

m) Đối với kinh doanh chứng khoán là các khoản thu từ dịch vụ môi giới, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư, phát hành chứng chỉ quỹ, dịch vụ tổ chức thị trường và các dịch vụ chứng khoán khác theo quy định của pháp luật;

n) Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là toàn bộ doanh thu bán dầu, khí theo hợp đồng giao dịch sòng phẳng trong kỳ tính thuế;

o) Đối với dịch vụ tài chính phái sinh là số tiền thu từ việc cung ứng các dịch vụ tài chính phái sinh thực hiện trong kỳ tính thuế.

Bước 4: Xác định các khoản chi phí được trừ

Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi phí nếu đáp ứng được đủ các điều kiện sau:

  • Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiêp;
  • Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  • Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên ( giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

>>>Xem thêm Chi phí được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN tại đây!

Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán và chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính có phát sinh khoản chi phí này).

Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm Thông tư 78/2014 có hiệu lực thi hành thì không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Điểm này.

Ví dụ 10: Tháng 8 năm 2014, doanh nghiệp có mua hàng hóa đã có hóa đơn và giá trị ghi trên hóa đơn là 30 triệu đồng nhưng chưa thanh toán. Trong kỳ tính thuế năm 2014, doanh nghiệp đã tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với giá trị mua hàng hóa này. Sang năm 2015, Doanh nghiệp có thực hiện thanh toán giá trị mua hàng hóa này bằng tiền mặt do vậy Doanh nghiệp phải ke khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kỳ tình thuế năm 2015).

Bước 5: Xác định các khoản thu nhập khác

Thu nhập khác là các khoản thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế mà khoản thu nhập này không thuộc các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh ghi trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp.

Như: Thu nhập từ nhượng bán, thanh lý TSCĐ, Lãi tiền gửi, cho vay, tiền phạt, tiền bồi thường do vi phạm hợp đồng, hàng cho, biếu tặng nhận được…

>>> Xem thêm các khoản thu nhập khác khi tính thuế TNDN tại đây!

Bước 6: Xác định thuế suất

Kể từ ngày 01/01/2014, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 22% trừ các trường hợp được áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc các trường hợp sau:

- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam (kể cả hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp) hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20%.

Tổng doanh thu năm làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% quy định tại khoản này là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề được xác định căn cứ vào chỉ tiêu mã số [01] và chỉ tiêu mã số [08] trên Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kỳ tính thuế năm trước liền kề theo Mẫu số 03-1A/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính về quản lý thuế.

Ví dụ 11: Doanh nghiệp áp dụng kỳ tính thuế theo năm tài chính từ ngày 01 tháng 4 năm nay đến 31 tháng 12 năm sau, có doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ mã [01] và doanh thu hoạt động tài chính mã [08] trên Phụ lục 03-1A/TNDN kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN số 03/TNDN năm tài chính 2013 (từ ngày 01/04/2013 đến hết ngày 31/03/2014) không quá 20 tỷ thì từ năm tài chính 2014 (từ ngày 01/04/2014 đến hết ngày 31/03/2015) Doanh nghiệp được áp dụng thuế suất thuế TNDN năm tài chính 2014 là 20%, nếu tổng doanh thu năm tài chính 2014 xác định theo hướng dẫn nêu trên mà trên 20 tỷ đồng thì năm tài chính 2015 (từ ngày 01/04/2015 đến hết ngày 31/03/2016) Doanh nghiệp áp dụng thuế suất thuế TNDN là 22%.

Đối với doanh nghiệp có năm trước liền kề không đủ 12 tháng, tổng doanh thu năm làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 20% quy định tại khoản này là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề được xác định căn cứ vào chỉ tiêu mã số [01] và chỉ tiêu mã số [08] trên Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của kỳ tính thuế năm trước liền kề theo Mẫu số 03-1A/TNDN kèm theo tờ khai quyết toán thuế TNDN số 03/TNDN chia cho số tháng thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm, nếu doanh thu bình quân của các tháng trong năm không vượt quá 1,67 tỷ đồng thì năm sau doanh nghiệp được áp dụng thuế suất thuế TNDN là 20%.

- Thuế suất thuế thu nhập doan nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí Việt Nam từ 32% đến 50%. Căn cứ vào vị trí khai thác, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ doanh nghiệp có dự án đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí gửi hồ sơ dự án đầu tư đến Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức thuế suất cụ thể cho từng dự án, từng cơ sở kinh doanh.

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác các mỏ tài nguyên quý hiếm (bao gồm: bạch kim, vàng, bạc, thiếc, wonfram, antimoan, đá quý, đất hiếm trừ dầu khí) áp dụng thuế suất 50%; Trường hợp các mỏ tài nguyên quý hiếm có 70% diện tích được giao trở lên ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 40%.

Ví dụ 12: Doanh nghiệp áp dụng năm tài chính từ ngày 01/04/2013 đến ngày 31/03/2014. Trường hợp doanh nghiệp đang áp dụng thuế suất phổ thông, không được hưởng thuế suất ưu đãi thì khi quyết toán thuế TNDN, doanh nghiệp tính và phân bổ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp như sau:

Số thuế TNDN phải nộp

=

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế

x 9 tháng x 25% +

Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế

x 3 tháng x 22%

12 tháng

12 tháng

Kể từ ngày 01/01/2016, trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% chuyển sang áp dụng thuế suất 20%.

IV. Cách tính thuế Thu nhập doanh nghiệp tạm tính, chậm nộp

#1. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính

  • Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính theo quý hoặc thực nộp cuối năm nhìn chung không có điểm khác biệt. Các bạn quay trở lại phần III mình đã hướng dẫn ở trên thực hiện tính theo 6 bước là được nhé.
  • Tuy nhiên mình có một số lưu ý khi các bạn tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính, các bạn xem hướng dẫn cụ thể bài viết dưới đây

>>> Xem thêm một số lưu ý tính thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính tại đây

#2. Cách tính tiền phạt chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Cách tính tiền phạt chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được chia làm 2 giai đoạn như sau

  • Trước ngày 01/01/2015

⊕ Nếu số ngày chậm nộp < 90 ngày:

Số tiền phat = Số tiền thuế chậm nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp

⊕ Nếu số ngày chậm nộp > 90 ngày:

Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp x 0,07% x Tổng số ngày chậm nộp - 90
  • Từ ngày 01/01/2015
Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp x 0,05% x Số ngày chậm nộp
  • Từ ngày 01/07/2016
Số tiền phạt = Số tiền thuế chậm nộp x 0,03% x Số ngày chậm nộp

Số ngày chậm nộp tiền thuế (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) được tính từ ngày liền kề sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế, thời gian gia hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế, thời hạn nộp thuế ghi trong thông báo hoặc quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế của cơ quan thuế hoặc quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đến ngày người nộp thuế nộp số tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp trong trường hợp gặp thiên tai, hỏa hoạn, tại nạn bất ngờ, dịch bệnh hoặc trường hợp bất khả kháng khác.

Số tiền chậm nộp được miễn là số tiền thuế còn nợ tại thời điểm xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tại nạn bất ngờ, dịch bệnh, trường hợp bất khả kháng và số tiền chậm nộp được miễn không vượt quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại.

V. Hạch toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

Hạch toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành gồm có 3 bước đơn giản như sau

Bước 1: Xác định số thuế TNDN tạm nộp

Bước 2: Tính toán số chênh lệch giữa số tạm nộp và chênh lệch

Bước 3: Kết chuyển chi phí thuế TNDN hiện hành

>>> Mời các bạn xem chi tiết Hạch toán thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tại đây

Trên đây, ES-GLOCAL vừa chia sẻ với các bạn Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp và các khía cạnh liên quan. Nếu các bạn có câu hỏi thắc mắc đừng ngần ngại đặt câu hỏi cho chúng tôi bằng cách bình luận dưới mỗi bài đăng hoặc gửi câu hỏi đến hòm thư: https://es-glocal.com/hoi-dap/

Cám ơn các bạn!

logo zalo

Hỏi đáp Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp AI cũng có thể làm được

menu
024 66 66 33 69
Top