1312, Tháp B, Tòa nhà The Light, Tố Hữu, Hà Nội

T2 - T7: 8:00 - 17:30

024 66 66 33 69

[email protected]

  • Ngôn ngữ tiếng anh

Cách tính lãi chậm nộp BHXH MỚI NHẤT

14:47 25/08/2021 Tin Tức Nguyễn Đình Viên 0 bình luận

Hãng kiểm toán Es-Glocal xin trân trọng chia sẻ tới bạn đọc Cách tính lãi chậm nộp BHXH 2020. Cách tính tiền lãi trốn đóng (không đóng) Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế theo Công văn 1379/BHXH-BT ngày 20/4/2016 của BHXH Việt Nam.

Cách tính tiền lãi phạt chậm đóng BHXH năm 2018
Cách tính tiền lãi phạt chậm đóng BHXH năm 2020

Bài viết bao gồm các nội dung sau:

#1. Lãi chậm nộp BHXH được tính khi nào?

Lãi chậm nộp BHXH được tính trên số tiền nộp BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT của doanh nghiệp chậm đóng từ 30 ngày trở lên, tính từ ngày phải đóng. Lãi chậm nộp được thể hiện trên chỉ tiêu thiếu lãi (nếu là lãi kỳ trước chuyển qua kỳ này hoặc lãi kỳ này chuyển qua kỳ sau) và chỉ tiêu lãi (bao gồm số tiền tính lãi, tỷ lệ lãi và số lãi phải nộp, đối với lãi chậm nộp BHXH phát sinh trong kỳ) trên thông báo bảo hiểm theo mẫu C12-TS.

#2. Cách tính lãi chậm nộp BHXH

Căn cứ theo Công văn 1379/BHXH-BT V/v hướng dẫn tính lãi chậm đóng, truy thu BHXH, BHYT, BHTN và thu BHXH tự nguyện, lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội được xác định theo công thức sau:

In = (Mn) x k

Trong đó:

In: Tiền lãi chậm nộp BHXH

Mn: Số tiền BHXH, BHYT, BHTN chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi tại tháng n

k: Lãi suất tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi (%/tháng)

#2.1 Xác định số tiền BHXH, BHYT, BHTN chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi (Mn)

Số tiền BHXH, BHYT, BHTN chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi tại tháng n được xác định căn cứ trên số chậm đóng lũy kế đến tháng n-1 và số tiền BHXH, BHYT, BHTN phát sinh chưa quá hạn nộp, cụ thể như sau:

Mn = AMn-1 – P

Trong đó:

AMn-1: số tiền BHXH, BHYT, BHTN phải đóng lũy kế đến hết tháng trước liền kề thời điểm tính lãi, không bao gồm lãi chậm đóng, lãi truy thu còn nợ của các kỳ trước (trường hợp doanh nghiệp đóng BHXH theo tháng là số phải đóng tháng liền trước thời điểm tính lãi, đóng 3 tháng một lần là số phải đóng của 3 tháng liền trước thời điểm tính lãi và đóng 6 tháng một lần là số phải đóng của 6 tháng liền trước thời điểm tính lãi)

P: số tiền BHXH, BHYT, BHTN phải đóng phát sinh chưa quá hạn phải nộp

#2.2 Xác định lãi suất tính lãi chậm đóng tại thời điểm tính lãi (k)

Lãi suất tính lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội được tính như sau:

  • Đối với BHXH bắt buộc, BHTN: bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân năm trước liền kề theo tháng do BHXH Việt Nam công bố.
  • Đối với BHYT: bằng 2 lần mức lãi suất tháng thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng Thông tin điện tử của Ngân hàng nhà nước Việt Nam năm trước liền kề. Nếu lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 9 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 9 tháng.

#3. Ví dụ minh họa

#3.1 Tính lãi chậm đóng đối với đơn vị đóng BHXH, BHYT, BHTN theo phương thức đóng hàng tháng

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A đóng BHXH, BHYT, BHTN theo phương thức đóng hàng tháng. Tính đến hết tháng 02/2016 Doanh nghiệp nợ tiền đóng BHXH, BHTN là 200.000.000 đồng, nợ tiền đóng BHYT là 35.000.000 đồng; trong đó: số tiền phải đóng BHXH, BHTN phát sinh của tháng 2/2016 là 100.000.000 đồng, số tiền phải đóng BHYT phát sinh của tháng 2/2016 là 20.000.000 đồng. Giả sử mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân năm 2016 là 6,39%/năm; mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là 6,5%/năm, thì lãi suất tính lãi chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT như sau:

Lãi suất tính lãi chậm đóng BHXH, BHTN k1 = 2 x 6,39%/12 = 1,0650%

Lãi suất tính lãi chậm đóng BHYT k2 = 2 x 6,5%/12 = 1,0833%

Từ đó ta tính được tiền lãi chậm đóng của doanh nghiệp B tại tháng 3/2016 như sau:

Tiền lãi chậm đóng BHXH, BHTN là: [(200.000.000 - 100.000.000) x 1,0650%] = 1.065.000 đồng

Tiền lãi chậm đóng BHYT là: [(35.000.000 - 20.000.000) x 1,0833] = 162.495 đồng

Vậy: Tổng số tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu đối với doanh nghiệp A tại thời điểm tháng 3/2016 là: (1.065.000 + 162.495) = 1.227.495 đồng.

#3.2 Tính lãi chậm đóng đối với đơn vị đóng BHXH, BHYT, BHTN theo phương thức đóng 3 tháng một lần hoặc 6 tháng một lần

Ví dụ 2: Doanh nghiệp B đóng BHXH, BHYT, BHTN theo phương thức đóng 3 tháng một lần (tháng đầu tiên theo phương thức đóng từ tháng 01/2016). Tính đến hết tháng 5/2016, doanh nghiệp B còn nợ tiền đóng BHXH, BHTN là 350.000.000 đồng, trong đó, số tiền phải đóng BHXH, BHTN phát sinh của tháng 4/2016 là 100.000.000 đồng, số tiền phải đóng BHXH, BHTN phát sinh của tháng 5/2016 là 110.000.000 đồng. Giả sử mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân năm 2016 là 6,39%/năm; mức lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố là 6,5%/năm, thì lãi suất tính lãi chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT như sau:

Do doanh nghiệp B đóng BHXH, BHYT, BHTN theo phương thức 3 đóng tháng một lần nên thời điểm tính lãi chậm nộp cho kỳ đóng bảo hiểm đầu tiên của doanh nghiệp B là tháng 5/2016.

Lãi suất tính lãi chậm đóng BHXH, BHTN k = 2 x 6,39%/12 = 1,0650%

Lũy kế nợ BHXH tại đầu tháng 4/2016 bằng: 350.000.000 - 100.000.000 - 110.000.000 = 140.000.000 đồng

Tiền lãi chậm nộp BHXH, BHTN tại đầu tháng 5/2016 bằng: (140.000.000 - 0) x 1,0650% = 1.491.000 đồng (số phát sinh phải nộp chưa đến hạn tính lãi bằng 0 vì doanh nghiệp đóng BHXH theo phương thức 3 tháng một lần, kỳ đóng tiếp theo từ tháng 4/2016 đến hết tháng 6/2016, thời điểm phải nộp là cuối tháng 6/2016, do đó đơn vị chưa phát sinh khoản phải nộp bảo hiểm cho kỳ này)

Khoản lãi chậm nộp tính kể trên được tính tương tự cho các tháng tiếp theo, cho đến khi doanh nghiệp hoàn trả tiền lãi cho cơ quan bảo hiểm.

Đối với doanh nghiệp đóng BHXH theo phương thức 6 tháng một lần, khoản lãi nộp chậm được tính tương tự trường hợp đóng 3 tháng một lần.

Lưu ý:

  • Số tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu trong tháng, gồm: số tiền lãi chậm đóng lũy kế đến cuối tháng trước liền kề chuyển sang và số tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền chậm đóng phát sinh trong tháng được xác định như trên.
  • Hằng năm, trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 1, BHXH Việt Nam thông báo mức lãi suất bình quân theo tháng trên cơ sở mức lãi suất bình quân quy định tại Điểm a và b Khoản 3 Điều 6 Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN cho BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an để thống nhất thực hiện.

Ví dụ 3: Cũng doanh nghiệp A nêu tại Ví dụ 1 trên, giả sử đến hết tháng 3/2016 vẫn không nộp BHXH, BHYT, BHTN (số tiền chuyển đóng là 0 đồng) thì sang tháng 4/2016, ngoài việc phải nộp tổng số tiền phải đóng BHXH, BHYT, BHTN đến hết tháng 02/2016 nêu trên là 235.000.000 đồng, tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN phát sinh của tháng 3/2016 và tháng 4/2016 là 240.000.000 đồng, tiền lãi chậm đóng tính tại tháng 3/2016 là 1.227.495 đồng, doanh nghiệp A còn phải nộp tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền nợ lũy kế đến hết tháng 02/2016 là:

Tiền lãi chậm đóng BHXH, BHTN là: (200.000.000 x 1,0650%) = 2.130.000 đồng

Tiền lãi chậm đóng BHYT là: (35.000.000 x 1,0833%) = 379.155 đồng

Tổng tiền lãi chậm đóng là: (2.130.000 đồng + 379.155 đồng) = 2.509.155 đồng

Tổng số tiền phải nộp trong tháng 04/2016 (tiền nợ và tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN phát sinh, tiền lãi chậm đóng còn nợ và tiền lãi phát sinh) là: (475.000.000 + 1.227.495 + 2.509.155) = 478.736.650 đồng.

#4. Hướng dẫn hạch toán

Bước 1: Kế toán nhận được quyết định xử phạt của bảo hiểm xã hội, thông báo bảo hiểm thông báo tiền phạt, hạch toán:

Nợ 811 - Chi phí khác

Có 3388 - Phải trả phải nộp khác

Bước 2: Khi nộp tiền phạt, lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội, hạch toán:

Nợ 3388 - Phải trả phải nộp khác

111, 112 - Tiền mặt, tiền gửi ngân hàng

#5. Các câu hỏi thường gặp

Hỏi: Lãi chậm nộp BHXH có được tính vào chi phí được trừ không?

Đáp: Lãi chậm nộp BHXH là khoản phạt hành chính nên không được trừ. Chi tiết các khoản chi phí được trừ và không được trừ bạn đọc xem tại đây nhé!

Hỏi: Kế toán xem khoản lãi chậm nộp BHXH ở đâu?

Đáp: Khoản lãi chậm nộp phát sinh trong kỳ được thể hiện trên chỉ tiêu lãi, lãi chuyển kỳ sau trên chỉ tiêu thiếu lãi mục chuyển kỳ sau trên thông báo bảo hiểm mẫu C12-TS.

ES-GLOCAL vừa hướng dẫn bạn đọc chi tiết Cách tính lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội. Nếu có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn sau để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://es-glocal.com/hoi-dap/. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi!

Tải về

logo zalo

Hỏi đáp Cách tính lãi chậm nộp BHXH MỚI NHẤT

menu
024 66 66 33 69
Top